Biển Đông trên bàn đàm phán Mỹ - Trung

25/06/2018 09:51:39

Giới phân tích kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tăng cường đối thoại để ngăn tình trạng đối đầu vượt ngoài tầm kiểm soát

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Bắc Kinh vào tuần này giữa lúc quan hệ quân sự giữa hai nước xấu đi nhanh chóng vì vấn đề Đài Loan và biển Đông.

Căng thẳng

Ông Mattis - người đã thẳng thừng cáo buộc Bắc Kinh "o ép và bắt nạt" ở biển Đông - sẽ là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đến Trung Quốc. Chuyến thăm của ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ và đối thủ chính ở Đông Á phải ngồi lại giải quyết nhiều vấn đề gai góc bất chấp sự bất đồng và hoài nghi lẫn nhau ngày càng tăng.

Biển Đông nhiều khả năng dẫn đầu chương trình nghị sự trong các cuộc thảo luận giữa ông chủ Lầu Năm Góc và các quan chức Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nước nổi lên tại Diễn đàn Shangri-La hồi đầu tháng này khi ông Mattis công khai chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông, trong đó có việc Bắc Kinh triển khai hệ thống vũ khí với mục đích đe dọa và cưỡng ép. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã cảnh báo nước này sẽ "đấu tranh mạnh mẽ" với những hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông trong trường hợp cần thiết.

Ngay sau đó, Không quân Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 tới bãi cạn Scarborough, vốn là khu vực của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát. Hồi tháng 4, Hải quân Mỹ cũng tiến hành các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải, thách thức Trung Quốc tại biển Đông. Tiếp đó, Lầu Năm Góc hồi tháng 5 rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 - động thái được xem là phản ứng đầu tiên của Washington trước hành động quân sự hóa nguy hiểm của Bắc Kinh ở biển Đông.

Mỹ mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại các thực thể tranh chấp ở biển Đông, song song đó nâng cao năng lực phòng vệ cho Đài Loan giữa lúc Bắc Kinh đang tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo này. Bên cạnh biển Đông, vấn đề Đài Loan cũng đang tăng nhiệt căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ gần đây. Luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2019 vừa được Thượng viện Mỹ thông qua cho phép các lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên quan trọng nhất của Đài Loan. 

Theo hãng tin AP, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan (TTA) khuyến khích tăng cường các chuyến thăm của quan chức cấp cao hai bên và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đồng ý cấp phép cho các công ty nước này bán công nghệ cho Đài Loan phát triển tàu ngầm. Những động thái này khiến Trung Quốc phản đối gay gắt, đồng thời đưa ra cảnh báo có khả năng dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan trong trường hợp cần thiết.

Biển Đông trên bàn đàm phán Mỹ - Trung
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ tới thăm Trung Quốc trong tuần này Ảnh: REUTERS

Nguy cấp

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc triển khai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan sau khi Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược H-6K. Căng thẳng trong khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cơ quan phòng vệ của Đài Loan cho biết 2 tàu chiến Trung Quốc, gồm tàu khu trục Type 052C và tàu khu trục nhỏ Type 054A, đã đi về phía Nam bờ biển phía Đông của hòn đảo này hôm 22-6, dường như đang thực hiện sứ mệnh huấn luyện đường xa. Ngay lập tức, Đài Loan điều máy bay và tàu hải quân giám sát các tàu chiến từ đại lục.

Đánh giá tình trạng hiện tại trong quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức nguy cấp, ông Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Trung Sơn ở TP Quảng Châu (Trung Quốc), nhận định nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, cuộc xung đột giữa lực lượng hải quân hai nước có nguy cơ xảy ra. Cùng quan điểm, chuyên gia phân tích quân sự Yue Gang - đại tá về hưu của Quân đội Trung Quốc - cho rằng việc duy trì thông tin liên lạc và trao đổi cấp bộ trưởng giữa Mỹ - Trung Quốc là điều cần thiết, đồng thời bảo đảm dòng chảy thông tin đầy đủ giữa hai bên trong thời gian đối đầu cũng rất quan trọng. "Việc xem Trung Quốc như một đối thủ chiến lược là chính sách của chính quyền ông Donald Trump và sẽ không thay đổi. Do đó, trao đổi thông tin là cần thiết để ngăn chặn tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát" - ông Yue nhận định. 

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)

Nổi bật