Bộ âu phục tối màu của Kamala Harris
Bất cứ chuyến công du riêng lẻ nào của nữ Phó Tổng thống đầu tiên, đồng thời cũng là nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, trong những hoàn cảnh thông thường, đều sẽ bị để ý từng ly từng tí. Không chỉ là bài phát biểu hay những cuộc họp báo chung, mà còn cả diện mạo bề ngoài trong các nghi thức. Phải nhấn mạnh ở diện mạo!
Dẫu gì, ở cương vị của người tiên phong, một trong số ít phụ nữ góp phần dẫn dắt một quốc gia trên trường quốc tế (vào thời điểm mà một trong những nữ nhân vật nổi tiếng nhất - Thủ tướng Angela Merkel của nước Đức - sắp mãn nhiệm), mọi phát ngôn và lựa chọn mà bà Kamala Harris đưa ra đều mang theo dấu ấn của người mở đường.
Những quyết định của bà không chỉ tác động tới bản thân bà, mà còn cả những người tiếp nối, những người sẽ học hỏi từ tấm gương của bà.
Thế nhưng chuyến công du Đông Nam Á vừa qua của bà Harris - kết thúc vào hôm nay 26/8 - phần nào đáng lưu tâm vì mức độ chú ý lớn đổ dồn vào những gì bà phát ngôn trong khi bình luận xa lạ xung quanh không nổi lên mấy, còn phản ứng về bối cảnh công du (trang phục! rồi thì "người mở màn" chả hạn!) tương đối chừng mực.
Cứ nghĩ tới "vũ đạo" chính thống của những chuyến công du như vậy - vốn là một màn biểu diễn vừa phải thể hiện công khai trước dư luận, vừa phải kín đáo điều đình chính sách phía sau - thì cũng khá đặc biệt đó chứ.
Có lẽ ta đã quen với khái niệm về một nữ lãnh đạo tới mức thôi không còn tập trung vào đó. Hoặc có thể bà Harris đã chủ ý và có chiến lược xây dựng hình tượng để đảm bảo không gây phân tán khỏi nhiệm vụ đang đảm trách.
Nhưng như thế không có nghĩa là bà Harris không để tâm tới vấn đề này.
Hãy xem lại:
Từ tối 20/8, khi rời Washington bay tới Singapore cho tới thời gian ở Việt Nam, bà Harris chỉ mặc những bộ âu phục tối màu: tím than, xám hoặc đen với một chiếc cài áo hình quốc kỳ nhỏ trên ve áo, kết hợp với áo trong màu xanh nhạt hoặc trắng trơn và chuỗi vòng ngọc trai đơn giản đặc trưng.
Bà Harris mặc một bộ âu phục tối màu tới cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; một bộ âu phục tối màu tới buổi lễ ở Gardens by the Bay; một bộ âu phục tối màu khi hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, rồi tới đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain ở Hà Nội.
Lựa chọn chiến thuật
Đặt trong bối cảnh cuộc sơ tán hỗn loạn mà Mỹ đang thực hiện ở Afghanistan; yêu cầu tái cam kết với đồng minh; nỗi sợ hãi mơ hồ về nỗ lực chống dịch Covid-19 khi Delta và các biến chủng khác lây lan, thì những bộ trang phục có phần trầm lắng của bà Harris dường như phản ánh trạng thái hiện thời của thế giới.
Lựa chọn của bà Harris cũng giúp bà hòa mình vào bức tranh tổng thể: không chỉ phù hợp với các nhà lãnh đạo khác - những người ăn vận tương đồng mà còn cả "truyền thống chính trị" vốn có trong quan niệm chung.
Dầu sao, âu phục tối màu cũng thường được coi là biểu tượng "đồng phục" của các nhà lãnh đạo thế giới. Đó cũng là lý do vì sao người ta sẽ rất bất ngờ nếu một vị nguyên thủ lại xuất hiện trong bộ đồ màu beige.
Đây là điểm đáng chú ý nhất trong "chiến lược" của Phó Tổng thống Mỹ. Thậm chí trong khuôn khổ ấy, bà Harris còn đáp ứng được yêu cầu về trang phục ngoại giao, chỉ mặc sản phẩm của các nhà thiết kế Mỹ (Prabal Gurung, Altuzarra) và phù hợp với cam kết tập trung vào biến đổi của mình - tất cả đều lấy trong tủ đồ có sẵn.
Đây rõ ràng là một lựa chọn chiến thuật, nếu nhìn vào cách bà Harris tránh ăn vận nổi bật trong các sự kiện trước đây.
Phó Tổng thống Mỹ mặc một bộ âu phục trắng vào đêm ông Joe Biden tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; tại lễ tuyên thệ bà lại chọn áo khoác và váy dài màu tím - sự kết hợp của hai màu đỏ/xanh; còn trong buổi công bố Thông điệp Liên bang, bà hiện diện trong một bộ âu phục màu kem.
Lựa chọn này có thể xem là hiệu quả từ góc nhìn của "nhân vật số 2", không muốn chiếm lấy hào quang của lãnh đạo cao hơn hoặc làm xao nhãng sự chú ý khỏi các vấn đề gai góc hiện thời (chưa kể tới chuyện thể hiện sự kỉ luật và năng lực bày tỏ quan điểm một cách cương quyết).
Theo Thi Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)