Các bậc đế vương thời cổ đại Trung Quốc, do có công lao và nhân phẩm khác nhau nên người đời sau cũng có những đánh giá khác nhau về họ. Đối với những vị hoàng đế từ Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ, cho dù có những điểm không hoàn hảo, nhưng về tổng thể vẫn là công nhiều hơn tội, thế nên rạng danh sách sử.
Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc từng có một vị Hoàng đế có người cho rằng công lao của ông có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng tới đời sau, có thể gọi là “thiên cổ nhất vương”, cũng có người cho rằng ông liên tục phát động chiến tranh, tăng thuế má nặng nề cho người dân, cuối cùng khiến vương triều phải diệt vong là một tên “thiên cổ bạo quân”. Mãi cho tới ngày nay, những tranh cãi về ông vẫn không ngừng.
Dương Quảng là con trai thứ của Hoàng đế khai quốc nhà Tùy - Dương Kiên, không những tài năng hơn người, mà còn có ngoại hình đẹp trai, khôi ngô tuấn tú, sử sách ca tụng ông là “mỹ tư nghi, thiếu thông tuệ”. Năm 588 sau công nguyên, nhà Tùy cử đại quân tới chinh phạt quân của Trần Bá ở Nam Triều, Dương Quảng khi ấy mới 20 tuổi đã được phụ thân phong làm Thống soái. Ông cũng không hề phụ lòng tín nhiệm của vua cha, tiêu diệt Nam Triều một cách nhanh chóng, dễ dàng thể hiện tài năng quân sự một cách hoàn hảo. Thắng trận trở về, Dương Quảng được phong làm Thái Úy.
Theo như ghi chép trong sách sử, trong khoảng thời gian Dương Quảng trấn thủ ở Giang Nam, ông đã ổn định được thế cục phản biến rất hiệu quả, hơn nữa đời sống còn rất giản dị, không phô trương, cư xử có chừng mực với binh sĩ dưới trướng, không những nhận được sự khen ngợi của văn võ bá quan trong triều mà còn được vua cha Tùy Văn Đế sủng ái, tín nhiệm.
Sau này, khi Thái tử Dương Dũng bị phế truất, Dương Quảng được phong làm Thái tử. Sau khi Tùy Văn Đế băng hà, Dương Quảng lên ngôi kế vị. Tuy nhiên, trong lịch sử mà triều Đường biên soạn, Dương Quảng lại được viết là vị Hoàng đế đăng cơ nhờ vào soán ngôi, hơn nữa còn giết cha và huynh trưởng của mình.
Trong khoảng thời gian trị vì của mình, Dương Quảng đã lập ra chế độ khoa cử, tu sửa sông Đại Vận của triều Tùy, xây dựng Đông Đô, dời đô tới Lạc Dương, có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sau. Sau này, để giải quyết sự uy hiếp từ Cao Câu Ly (Hàn Quốc ngày nay) một cách triệt để, ông đã 3 lần ngự giá thân chinh nhưng lại vì đủ các nguyên nhân mà thất bại.
Kết quả, vì bước đi của ông quá nhanh, quốc khố dần cạn kiệt, gánh nặng của bách tín ngày càng nặng nề khiến thiên hạ đại loạn. Năm 628 sau công nguyên, trong khoảng thời gian Tùy Dạng Đế đi tuần ở Dương Châu, cấm vệ quân đã phát động binh biến, Dương Quảng cũng bị đại thần Vũ Văn Hóa Cập giết chết.
Tuy Dương Quảng bị giết nhưng dẫu sao ông cũng vẫn là hoàng đế, thế nên trong mộ cũng cần phải có những vật đáng giá để bồi táng. Mãi cho tới cả ngàn năm sau, không ít người đã đi tìm kiếm mộ của ông nhưng chẳng một ai thành công. Từ đó ngôi mộ của ông trở thành một bí ẩn.
Thậm chí còn có người nghi ngờ rằng, có lẽ Tùy Dạng Đế còn không có mộ, thi thể bị đám Vũ Văn Hóa Cập vứt đi rồi. Tháng 4 năm 2013, ở một bãi phế thải ở khu Hàn Giang, thành phố Dương Châu, khi thi công, công nhân đã phát hiện một ngôi mộ cổ, họ lập tức trình báo việc này với Bộ văn vật của địa phương.
Các chuyên gia lập tức đi tới hiện trường, họ đã tiến hành triển khai nghiên cứu ngôi mộ cổ. Là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, năng lực đương nhiên không phải là người thường có thể so sánh được, thông qua quy cách của các vật bồi táng trong mộ, họ phán đoán đó là một ngôi mộ của vua chúa, nhưng là ngôi mộ của vị hoàng đế nào thì nhất thời không thể phán đoán chính xác được.
Trong quá trình đào mộ, họ bỗng phát hiện một một bản mộ chí (giống như điếu văn đọc trong lễ truy điệu), trong đó có 6 chữ lớn: “Tùy cố Dạng Đế mộ chí”. Từ đó có thể phán định rằng đây là ngôi mộ của Tùy Dạng Đế Dương Quảng. Còn chủ nhân của ngôi mộ bên cạnh đó là Tiêu Hoàng Hậu.
Hóa ra, sau khi giết Dương Quảng, Tiêu Hoàng Hậu đã cầu xin Vũ Văn Hóa Cập, xin cho chồng được toàn thây, đồng thời cùng cung nữ dùng gỗ dát giường để làm quan tài, mai táng Tùy Dạng Đế ở Lưu Châu Đường, Giang Đô. Sau khi Vũ Văn Hóa Cập rời đi, một vị tướng quân trấn thủ Giang Đô tên Trần Lăng vì tưởng nhớ ân tình cũ của Tùy Dạng Đế đã làm tang lễ cho ông đồng thời mai táng ông ở dưới đài Ngô Công.
Sau khi nhà Đường thành lập, Đường Cao Tổ Lý Uyên hạ lệnh đem lăng mộ của Tùy Dạng Đế tới Lôi Đường. Sau khi Tiêu Hoàng Hậu bệnh nặng qua đời, Đường Thái Tông đã hạ lệnh đem thi thể của bà đưa tới Giang Đô để mai táng cùng với Tùy Dạng Đế.
Điều khiến người ta khó mà ngờ được là Tùy Dạng Đế từng một đời cao ngạo, sau khi chết ngôi mộ của mình lại bị chôn vùi dưới bãi phế thải. Điều đáng mừng là tuy vật bồi táng không nhiều nhưng có những văn vật đỉnh cao như đầu thú mạ vàng, thắt lưng ngọc nạm vàng, hơn nữa còn không bị trộm mất.
Theo Vũ Phong (Công lý & Xã hội)