"Người dân Venezuela đã chịu đựng quá lâu trong tay của chế độ Maduro bất hợp pháp" - Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng đàn trên Twitter giải thích cho quyết định công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó là tổng thống lâm thời Venezuela.
Không mất nhiều thời gian, các quốc gia gồm Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay và Costa Rica tuyên bố sẽ nối gót Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ thiên tả của Mexico thông báo "án binh bất động", chỉ riêng Tổng thống Bolivia Evo Morales lên án cái gọi là "cuộc tấn công đế quốc" vào quyền dân chủ và tự quyết của Mỹ Latin.
"Brazil sẽ ủng hộ quá trình chuyển giao quyền lực (ở Venezuela) cả về kinh tế và chính trị, làm sao để dân chủ và hòa bình xã hội quay trở lại Venezuela" - Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cam kết trên Twitter.
Ông Maduro sẽ phản ứng rắn?
Theo báo The Guardian, một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ bình luận rằng động thái này mang ý nghĩa "Maduro và vây cánh ông ta phải hiểu họ không có tương lai; không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và một giải pháp thoát ly khỏi đất nước".
Nhưng trong bối cảnh mới, các chuyên gia quốc tế tỏ ra bối rối, không ai chắc ảnh hưởng tức thì của thay đổi mới sẽ ra sao và cách nhà lãnh đạo Maduro sẽ phản ứng.
Ông Eric Farnsworth, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, nhận xét rằng sự kiện này là thách thức lớn nhất chính quyền Tổng thống Maduro phải đối mặt trong vài năm qua.
"Maduro không thể chấp nhận thay đổi này, ông ta sẽ phản ứng theo cách nào đó" - ông Farnsworth bình luận.
Quả thật, nhà lãnh đạo Venezuela không tốn thời gian để phản công. Từ dinh tổng thống ở Caracas, ông tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ và ra thời hạn 72 giờ để toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ xách vali về nước.
Ông Maduro lên án đây là "một cuộc đảo chính chống lưng bởi đế quốc" và kêu gọi những người ủng hộ - chủ yếu là lực lượng vũ trang Venezuela - phản kháng lại "bằng mọi giá".
"Bọn họ muốn điều hành Venezuela từ Washington. Quý vị có muốn một chính phủ bù nhìn kiểm soát bởi Washington không?" - ông Maduro đặt câu hỏi với đám đông.
"Mọi phương án đã sẵn sàng"
Ngoài việc cắt dứt quan hệ với Mỹ, nhiều người đang chờ Tổng thống Maduro ra lệnh bắt giữ ông Guaidó và các thủ lĩnh đối lập khác. Nhà ngoại giao Farnsworth còn lo ngại rằng chính quyền sẽ bố trí lính bắn tỉa trên đường phố để dẹp đám đông.
Nếu kịch bản đó xảy ra, Mỹ và nhiều nước sẽ có lý do để phản ứng. Nguồn tin từ Washington nói Mỹ "có vô số phương án" nếu đàn áp bạo lực xảy ra ở Venezuela. "Tất cả đã sẵn sàng - mọi phương án" - vị quan chức Mỹ ẩn danh khẳng định.
Tuy nhiên, người ta lo rằng siết trừng phạt kinh tế Venezuela có thể làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tồi tệ. Can thiệp quân sự thì lại gây ra hủy diệt và mất mát lớn, Mỹ sẽ bị sa lầy vào một cuộc chiến và công cuộc tái thiết đắt đỏ khác.
Ông David Smilde - chuyên gia người Mỹ về Venezuela phân tích: "Nhìn Somalia xem, rồi Afghanistan, rồi Iraq, tất cả đều là can thiệp quân sự ngắn ban đầu, nhưng sau đó lại gây ra những tổn thất lớn về con người và vật chất".
Nhà ngoại giao Farnsworth thì nhìn thấy đằng trước là sự hỗn loạn. "Đây là một ngày hết sức quan trọng, dự báo một khoảng thời gian bất định phía trước. Tôi không nghi ngờ gì về điều này" - ông nhận định.
Theo Phúc Long (Tuổi Trẻ)