Reuters hôm qua công bố khảo sát thường niên về hoạt động cứu trợ nhân đạo khắp thế giới trong năm 2018. Kết quả cho thấy số lượng "khủng hoảng bị lãng quên" tăng vọt, đứng đầu là thảm họa bệnh dịch và chiến tranh tại Congo, tiếp đó là Cộng hòa Trung Phi, Thủy vực hồ Chad, Yemen, Afghanistan, Nam Sudan, Burundi, Nigeria. Venezuela cũng lần đầu xuất hiện trong danh sách này.
"Siêu khủng hoảng" tại Congo gần như không được truyền thông thế giới nhắc đến trong suốt năm qua. 13 triệu trên tổng số 82 triệu người dân Congo đang cần sự trợ giúp nhân đạo. Nước này từng đứng đầu danh sách khảo sát của Reuters vào năm ngoái, trong khi nhiều tổ chức quốc tế khẳng định tình hình đang xấu dần đi.
"Sự tàn khốc của cuộc xung đột thật đáng sợ, trong khi sự bỏ bê của chính phủ Congo và cộng đồng quốc tế lại gây phẫn nộ. Tôi từng thăm Congo trong năm nay, chưa bao giờ tôi thấy chênh lệch lớn giữa nhu cầu và hỗ trợ thực tế như vậy", chủ tịch Hội đồng Tị nạn Na Uy Jan Egeland cho biết.
Rachid Boumnijel, cố vấn nhân đạo thuộc tổ chức ActionAid, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực để chấm dứt nhiều năm xung đột tại Congo, nơi tình trạng bạo lực tình dục rất phổ biến. "Thảm họa đang xảy ra ở nước này, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái", Boumnijel nói thêm.
Trưởng dự án nhân đạo của Christian Aid Maurice Onyango cho rằng nạn bạo lực đang gây "tổn thương quy mô lớn", khi nhiều trẻ em Congo phải chứng kiến cảnh cha mẹ và anh chị em của mình bị sát hại. Sự bùng nổ xung đột vũ trang ở phía đông Congo cũng làm trầm trọng đại dịch Ebola, khiến nó lan rộng và gây nhiều thương vong.
Cộng hòa Trung Phi, nơi phần lớn lãnh thổ nằm trong tay các nhóm vũ trang và 60% dân số cần trợ giúp, xếp ngay sau Congo trong khảo sát về các khủng hoảng bị lãng quên năm 2018. Tình trạng bạo lực tăng cao tại nước này từ khi phiến quân Hồi giáo lật đổ chính phủ vào năm 2013 và gây ra phản ứng dữ dội từ những nhóm vũ trang Thiên chúa giáo.
UNICEF cho biết những đợt tấn công nhằm vào trường học, bệnh viện, thánh đường và nhà thờ ngày càng nhiều, trong khi các nhân viên cứu trợ cũng trở thành mục tiêu, tác động tiêu cực tới hoạt động nhân đạo "vốn đã thiếu ngân sách từ lâu".
Hàng nghìn trẻ em Cộng hòa Trung Phi phải phục vụ trong các nhóm vũ trang hoặc chịu bạo lực tình dục. "Khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, các nguồn lực đang ở ngưỡng giới hạn", giám đốc chương trình khẩn cấp của UNICEF Manuel Fontaine nhận xét.
Tổng thư ký tổ chức cứu trợ Caritas Michel Roy cho rằng Cộng hòa Trung Phi đang rơi vào vòng xoáy hủy diệt. "Trong khi các chính phủ và truyền thông thế giới đã quay lưng với họ, chúng ta không thể làm điều tương tự. Đó là hy vọng cuối cùng của Cộng hòa Trung Phi", Roy nói thêm.
Plan International nhận định truyền thông thường bỏ qua những khủng hoảng ở Congo và Cộng hòa Trung Phi bởi chúng thiếu yếu tố gây sốc trong thảm họa bất ngờ như sóng thần tàn phá Indonesia hồi tháng 9/2018.
Yemen, đất nước có nguy cơ rơi vào nạn đói tồi tệ nhất thế giới trong 100 năm qua, đứng thứ ba trong khảo sát. "Với hơn 75% dân số cần trợ giúp, tôi không hiểu sao Yemen không đứng đầu danh sách cần chú ý và hỗ trợ từ quốc tế", trưởng chương trình khẩn cấp của World Vision Mark Smith phát biểu.
Đoàn Y tế Quốc tế (IMC) cảnh báo thảm họa tại Thủy vực hồ Chad có thể trở nên tồi tệ hơn trong năm sau. Biến đổi khí hậu cùng mối đe dọa từ phiến quân Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến hơn 11 triệu người cần trợ giúp.
Tổ chức Hành động chống Nạn đói (AAH) khẳng định hàng triệu người cũng đang vướng vào khủng hoảng "gần như vô hình" tại Nigeria, Niger, Chad và Cameroon. Họ phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ, nạn đói, bạo lực tình dục và bắt cóc trẻ em.
Trong khi đó, Liên đoàn các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) khẳng định nạn đói và bệnh dịch sau lũ lụt ở Nigeria có thể gây đợt khủng hoảng kéo dài thứ hai tại nước này.
"Tôi bị sốc khi tình trạng này không được biết tới. Những con số thật sự gây sửng sốt", tổng thư ký IFRC Elhadj As Sy tiết lộ. Khoảng gần hai triệu người Nigeria bị ảnh hưởng, hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa và hàng loạt khu vực canh tác nông nghiệp đã bị phá hủy.
Năm nay là lần đầu tiên Venezuela lọt vào danh sách này. Liên Hợp Quốc ước tính 3,3 triệu người đã phải rời bỏ đất nước để tránh mâu thuẫn chính trị và khủng hoảng kinh tế, trong khi hai triệu người có thể ra đi trong năm 2019. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi đóng góp khoản tiền 738 triệu USD để giúp các quốc gia láng giềng ứng phó với "cơn địa chấn nhân đạo" của Venezuela.
Theo Vũ Anh (VnExpress.net)