Ngay sau đó, thông tin nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng Internet Trung Quốc.
Nhân vật được đề cập là Hà Phát Lý, cựu quan chức lâm nghiệp ở tỉnh Thiểm Tây. Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), ông Hà mua tài sản bằng tên của các thành viên trong gia đình, sau khi ông từ chức vào năm 2017.
CCDI cho biết ông Hà bị kết án 12 năm tù vào năm 2022 vì nhận hối lộ khoảng 40 triệu nhân dân tệ (hơn 137 tỉ đồng).
Theo trang Bloomberg, vụ bê bối nêu trên nằm trong số những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên Weibo tính đến sáng 29-2. Trung Quốc thường công bố các vụ việc tham nhũng thông qua phim tài liệu, bài báo trên truyền thông.
Nhiều người đăng bình luận mỉa mai, trong đó có người viết: "Tôi nghĩ ông ta có thể mua được 130 căn nhà".
Ông Hà, năm nay 70 tuổi, trở thành người đứng đầu cơ quan môi trường Thiểm Tây vào năm 2003.
Cơ quan chống tham nhũng cho biết các công ty tư nhân đã tìm đến ông Hà để đưa hối lộ nhằm giành các hợp đồng chính phủ hoặc để được phớt lờ các vi phạm về ô nhiễm môi trường.
Ngoài hối lộ tiền bạc, một doanh nhân có mối quan hệ thân thiết với ông Hà còn tặng ông này xe hơi địa hình trị giá hơn 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng).
CCDI mô tả ông Hà bằng cụm từ "nô lệ của tiền bạc". Ông Hà bị xem là một điển hình của tham nhũng, người không chịu "nghỉ hưu" sau khi nghỉ hưu.
Ông Hà thừa nhận rằng một số chủ doanh nghiệp chi rất nhiều tiền và nhận hối lộ vì muốn để lại một số "tài sản" cho con cháu.
Ông nói: "Việc nhìn thấy các doanh nhân sống trong biệt thự, lái những chiếc xe hơi sang trọng và tiêu số tiền khổng lồ đã ảnh hưởng đến tôi một cách vô thức. Sự chính trực của tôi đã bị phá hủy".
Chủ tịch Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng vào năm 2013. Trong năm 2023, cuộc chiến chống tham nhũng đã lập kỷ lục mới.
Dựa trên các thông báo chính thức của CCDI, số lượng cuộc điều tra cấp cao được tiến hành vào năm 2023 tăng 40% so với năm 2022, khi CCDI ghi nhận 32 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao.
Hầu hết các đối tượng bị điều tra thuộc nhóm "cán bộ trung ương quản lý", có chức vụ từ cấp thứ trưởng trở lên. Một số ít giữ chức vụ thấp hơn nhưng là những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.
Trước năm 2023, thời điểm số lượng quan chức cấp cao bị CCDI điều tra nhiều nhất trong một năm là vào năm 2014, khi 38 cá nhân bị nhắm tới.
Năm 2020, 18 quan chức bị điều tra. Kể từ đó, con số kiểm đếm hàng năm ngày càng tăng, với 25 quan chức cấp cao bị điều tra vào năm 2021 và 32 người vào năm 2022.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)