Trở thành phó trưởng phòng dân chính quận ở tuổi 31, rồi được thăng chức Thị trưởng thị trấn Mại Cao Kiều. Ở tuổi 38, cô được chọn tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài đầu tiên dành cho lãnh đạo thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, và từng được ca ngợi là "Ngôi sao hi vọng" trong chính trường thành phố.
Tên cô ta là Phan Ngọc Mai.
Nỗ lực làm việc, trở thành 'Ngôi sao hi vọng'
Phan Ngọc Mai sinh năm 1968 trong một gia đình quân nhân ở quận Thê Hà, thành phố Nam Kinh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô ta gia nhập quân đội và được kết nạp đảng năm 22 tuổi. Do thành tích xuất sắc trong quân đội, Phan được thuyên chuyển sang đảng ủy quận Thê Hà làm thư ký.
Sau vài năm rèn luyện ở cấp cơ sở, vào năm 31 tuổi, Phan Ngọc Mai không chỉ lấy được bằng đại học tại chức mà còn được thăng chức Phó trưởng phòng Dân chính quận Thê Hà.
Không lâu sau đó, cô ta được thuyên chuyển về làm Thị trưởng thị trấn Mại Cao Kiều, thuộc thành phố Nam Kinh. Lúc này, Phan Ngọc Mai đang có tinh thần xông pha và quyết tâm làm được điều gì đó lớn lao. Vào thời điểm đó, thị trấn Mại Cao Kiều là một thị trấn nghèo, cuộc sống của người dân không hề dư dả, thậm chí công chức còn bị nợ lương, tổng thu nhập trên địa bàn (GRDP) hàng năm đứng thấp nhất trong thành phố Nam Kinh.
Nhưng dưới sự điều hành của Phan Ngọc Mai, nền kinh tế của thị trấn bắt đầu cất cánh. Trong năm đầu tiên, doanh thu tài chính đạt 500 triệu nhân dân tệ, thoát khỏi "cái mác nghèo" và nhảy vào top 10 của thành phố. Đây là điều mà lãnh đạo tiền nhiệm của Phan không dám nghĩ tới.
Phan Ngọc Mai đã tạo nên kỳ tích kinh tế ở thị trấn Mại Cao Kiều, được cấp trên ghi nhận, thậm chí được ca ngợi là "Ngôi sao hi vọng" trong giới chính trị Nam Kinh. Cô ta được đưa vào danh sách đối tượng đào tạo trọng điểm và được gửi đến Đại học Orange (Mỹ) để học tập nghiên cứu.
‘Chìa khóa vạn năng’ mở ra con đường kiếm tiền
Tuy nhiên, sự bùng nổ kinh tế của thị trấn Mại Cao Kiều cũng làm nảy sinh một điểm nóng tham nhũng. Ban đầu, Phan Ngọc Mai muốn trở thành một quan chức chính trực và kiên quyết chống lại mọi sự cám dỗ, nhưng một số người đã tìm ra kẽ hở từ những người thân xung quanh "quan bà" này.
Cao là bí thư chi bộ thôn ở thị trấn Mại Cao Kiều. Ban đầu, trong các cuộc họp, Phan Ngọc Mai thường nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong công việc của Cao và chỉ trích ông ta.
Một lần, lấy lý do đến thăm bố mẹ Phan Ngọc Mai già yếu đang ốm, Cao đã để lại một túi giấy màu nâu đựng 10.000 nhân dân tệ (CNY, hơn 34 triệu VNĐ) trong nhà Phan Ngọc Mai. Phải nhiều ngày sau, cô ta mới phát hiện ra và đã nổi cáu với người nhà nhưng rồi lại cho qua, không trả lại tiền.
Trước Tết Nguyên đán năm 2000, Cao lại đến nhà Phan Ngọc Mai để biếu 2 chai rượu và 10.000 tệ để chúc mừng năm mới. Phan Ngọc Mai lúc đó không có nhà, nhưng sau đó cũng không trả lại tiền và thái độ của cô với Cao dần thay đổi.
Tháng 9/2001, Phan Ngọc Mai được chọn tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài. Trước chuyến đi, Cao đã đưa cho cô ta 10.000 USD.
Năm 2003, thành phố Nam Kinh bắt đầu thúc đẩy các dự án thí điểm ở thị trấn nhỏ. Cao đã phát hiện ra cơ hội và thành lập một công ty để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trên đất công tại thôn của mình. Chẳng bao lâu, do dự án có những sai phạm, thành phố đã ban hành lệnh cấm xây dựng và ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, Phan Ngọc Mai đã nhắm mắt làm ngơ và dùng quyền lực của mình để giúp Cao vượt qua khó khăn.
Ngô - chủ một công ty bất động sản khác - cũng dùng cách tương tự để có được sự giúp đỡ của Phan Ngọc Mai khi hối lộ 500.000 CNY (ước tính 1,7 tỷ VNĐ theo tỷ giá hiện nay).
Một doanh nhân Hồng Kông đã hối lộ Phan Ngọc Mai số tiền lên đến 4,8 triệu USD để trúng thầu một dự án lớn.
Có rất nhiều câu chuyện tương tự, làm khơi dậy ham muốn tiền bạc của Phan Ngọc Mai, thậm chí cô ta còn trắng trợn đòi hối lộ.
Khi "kim chỉ nam" trong cuộc sống bị chệch hướng, Phan Ngọc Mai đã cùng một số người bạn trong giới quan chức, hợp tác với những doanh nhân biến chất, dùng quyền lực để đổi lấy tiền bạc và dần dần hình thành một "vòng tròn tham nhũng".
Trong lời khai khi bị bắt sau này, Phan Ngọc Mai thú nhận: "Một khi quyền lực trở thành ‘chìa khóa vạn năng’ mở ra con đường kiếm tiền thì mọi tôn chỉ và mục đích của đảng đều bị lãng quên, chỉ còn lại sự tự đắc và điên rồ. Nó giống như một người mù cưỡi một con ngựa mù, nửa đêm đi vào vực sâu, không biết nguy hiểm ập đến lúc nào."
Nhật ký tình trường
Khi số tiền tham nhũng ngày càng nhiều, Phan Ngọc Mai cũng bắt đầu dùng đồ hiệu và tham gia nhiều bữa tiệc rượu khác nhau. Cô ta hết lần này đến lần khác say khướt mới về, thậm chí không về nhà. Kết quả là quan hệ vợ chồng rạn nứt, người chồng không chịu nổi cuối cùng đã viết đơn ly hôn.
Sau đó, Phan Ngọc Mai đã hoàn toàn buông thả bản thân và nảy sinh mối quan hệ tình cảm với Cao - cán bộ thôn đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Hơn nữa, Cao còn dùng tiền bạc của mình để giúp Phan Ngọc Mai lấy lòng cấp trên.
Phan Ngọc Mai giờ đây đã có một sự nghiệp suôn sẻ và ngày càng trở nên quyền lực. Để có được vị trí cao hơn, Phan còn nhiều lần "bán thân" cho cấp trên.
Với số tiền kiếm được nhiều không kể xiết, Phan Ngọc Mai ngày càng lạc lối, cuộc sống riêng tư ngày càng suy đồi.
Sau vụ án Phan Ngọc Mai, các nhà điều tra đã tìm thấy một cuốn nhật ký tại nhà cô ta. Trong nhật ký, Phan Ngọc Mai ghi lại tên, tuổi, chức vụ và các thông tin khác của từng người đàn ông đã cặp kè với cô ta - được cho là lên tới hơn 150, thậm chí là gần 200 người, theo Baijiahao.
Những người này bao gồm cấp trên, đồng nghiệp, doanh nhân và nam người mẫu trẻ. Phan Ngọc Mai thậm chí còn "đánh giá năng lực" của những người này thành ba hạng: tốt, trung bình và kém.
Cuộc đời kết thúc ‘một cách ô nhục'
Tháng 1/2007, khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Nam Kinh đang điều tra một vụ án tham nhũng, Cao - người liên quan đến vụ án - khai rằng: "Tôi đã đưa cho Phan Ngọc Mai hàng trăm nghìn USD."
Theo điều tra, từ trước Tết Nguyên Đán năm 2000 đến tháng 12/2006, Phan Ngọc Mai đã lợi dụng chức vụ phụ trách công tác kinh tế và công trình đường sá tổng thể tại thị trấn Mại Cao Kiều để trục lợi cho người khác và nhận hối lộ với tổng số tiền lên tới hơn 7,92 triệu CNY (1,1 triệu USD) và 500.000 USD.
"Linh hồn tôi đã bị chính tôi chôn vùi, sự nghiệp của tôi bị chính tôi hủy hoại, và cuộc đời tôi đã kết thúc một cách ô nhục", đây là lời hối hận muộn màng của Phan Ngọc Mai khi bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Nam Kinh điều tra.
Cuối cùng, Phan Ngọc Mai bị kết án tử hình, hoãn thi hành án hai năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Theo Hữu Hiển (Đời Sống & Pháp Luật)