Bao Công tên húy là Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được biết tới với nhiều danh xưng khác như Bao Công, Bao Hắc Tử, Bao Học Sĩ… Ông quê gốc ở Lưu Châu, Hợp Phì, nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chính trực dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông.
Vào ngày tang lễ của Bao Công, vì sao phải dùng 21 chiếc quan tài đưa ra khỏi 7 cổng thành?
Ông vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, sống mực thước. Năm 1027, ông bộc lộ tài năng của mình, thi đậu Tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. 10 năm sau cha mẹ qua đời, cư tang thủ hiếu xong, Bao Công lúc ấy 38 tuổi mới bước ra chính trường.
Chức quan mà Bao Chửng từng đảm nhiệm là quan can gián và quan tài chính. Nhờ tài năng vượt trội, đã từng có giai đoạn ông được điều động tới phủ Khai phong nhậm chức, nhưng chỉ làm việc ở đây khoảng gần 1 năm rưỡi. Tên tuổi của vị quan này gắn liền với sự thanh liêm, công chính cùng nhiều giai thoại xử án nghiêm minh, công bằng.
Bao Công được người đời vô cùng yêu quý, được hậu thế đời đời kính trọng nhờ những phẩm chất cao quý cùng tài năng xử án bất phàm. Năm 1062, khi đang giữ chức vụ "Khu mật phó sứ", Bao Công đột nhiên lâm bạo bệnh và qua đời ở tuổi 64.
Điều đáng chú ý là trong tang lễ của Bao Công có tới 21 cỗ quan tài. Thông thường, người ta chỉ cần dùng tới 1 quan tài để đặt thi hài người quá cố. Lý do giải thích cho việc này là gì?
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thực chất việc người nhà Bao Công phải bố trí tận 21 cỗ quan tài trong tang lễ của ông cũng là vì bất đắc dĩ. Nguyên nhân là vì khi sinh thời, ông là vị quan thanh liêm, cương trực, không cúi đầu và có thể đắc tội với rất nhiều những nhân vật có chức có quyền. Khi ông chết đi, kẻ thù có thể sẽ không bỏ qua cơ hội trả thù bằng cách phá hoại thi hài, quấy nhiễu phần mộ.
Vì vậy, nhằm bảo vệ thi hài, che mắt những kẻ có mục đích phá hoại, quấy nhiễu mộ phần nên người nhà đã chuẩn bị 21 cỗ quan tài trong tang lễ. Vào ngày đưa tang, các cỗ quan tài lần lượt được đưa qua từ 7 cổng thành khác nhau tại Hợp Phì. Trong 21 cỗ quan tài này, có đến 20 cỗ đều là giả, chỉ có duy nhất một cỗ là thật.
Và những cỗ quan tài cũng được hạ táng ở những mộ phần tại những địa điểm khác nhau, nhằm tránh việc trộm mộ sẽ xảy ra. Nhờ vậy, nơi an nghỉ của Bao Công được bảo mật tránh bị kẻ gian phá hoại. Chính điều này khiến giới khảo cổ mất nhiều năm mới xác định được vị trí ngôi mộ thực sự của Bao Công. Nơi an nghỉ của vị quan lỗi lạc này nằm ở Đại Hưng Tập, ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy.
Theo Dương Huyền (Công lý & Xã hội)