Trước sự giận dữ của người dân, Tổng thống Donald Trump đã phải có những bước đi xoa dịu dư luận. Nhưng liệu những động thái này có khiến văn hóa súng đạn của nước Mỹ thực sự thay đổi?
Các động thái của Tổng thống Donald Trump liệu có hiệu quả thực sự trong việc kiểm soát súng đạn?
Có thể nói, nước Mỹ đã không biết bao nhiêu lần trải qua những khoảnh khắc thảm sát kinh hoàng khiến hàng chục người thiệt mạng liên quan đến súng đạn. Cũng từng đấy lần, nước Mỹ lại dấy lên câu hỏi: Liệu đã đến lúc thay đổi chính sách kiểm soát súng đạn hay chưa? Nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
Với sức ép mạnh mẽ từ dư luận sau vụ thảm sát tại một trường học ở thành phố Parkland, bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một số tuyên bố và hành động cụ thể nhằm ngăn chặn những vụ xả súng tương tự tái diễn.
Trong động thái mới nhất, một số thông tin từ Nhà Trắng ngày 21/2 tiết lộ Tổng thống Trump đang xem xét một số biện pháp cụ thể, trong đó có quy định quan trọng là nâng độ tuổi sở hữu một số loại vũ khí nhất định.
Theo luật liên bang hiện nay, các cửa hàng không được bán súng ngắn cho người dưới 21 tuổi và súng trường cho người dưới 18 tuổi. Mặc dù chưa rõ Tổng thống Trump có thực sự muốn thay đổi luật liên bang hay kêu gọi từng bang áp dụng luật riêng nhưng ông muốn nâng tuổi mua các loại súng lên cùng mức 21. Hiện một số bang cũng đã ban hành luật riêng, siết chặt độ tuổi được phép sở hữu súng.
Trước đó, tối 20/1, ông Trump cũng đã ký bản ghi nhớ yêu cầu Bộ Tư pháp soạn thảo luật cấm các thiết bị độ súng, có thể chuyển đổi súng bán tự động thành tự động, nâng cao mức độ sát thương, tương tự như các loại vũ khí được sử dụng trong vụ thảm sát tại Las Vegas hồi năm ngoái.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng bày tỏ ý định ủng hộ dự luật lưỡng đảng, tạo thuận lợi cho việc đưa các vụ tội phạm bạo lực vào danh sách kiểm tra của FBI nhằm ngăn chặn những cá nhân liên quan sở hữu súng đạn.
Chưa rõ là các dự luật có được thông qua hay không hoặc các biện pháp trên liệu có mang lại hiệu quả thực sự nhưng rõ ràng đây là các động thái cho thấy Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đang có các hành động cụ thể nhằm kiểm soát việc sở hữu và sử dụng súng hiệu quả hơn.
Các dự luật và quy định mới chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa bảo thủ cũng như Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ, những người đã vận động cho ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố muốn kiểm soát súng đạn hiệu quả nhưng sau đó không có các hành động cụ thể khi dư luận giảm bớt sức nóng.
"Văn hóa súng đạn" của Mỹ không dễ thay đổi
Đánh giá về các động thái trên của chính quyền Mỹ, có thể thấy rằng những dự luật và biện pháp nếu được thông qua và áp dụng chặt chẽ trong thực tế có thể sẽ góp phần giảm bớt các vụ thảm sát hàng loạt bằng súng tự động.
Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ của vấn đề thì nước Mỹ và chính bản thân mỗi người dân Mỹ còn rất nhiều việc phải làm. Tại Mỹ, số người thiệt mạng vì súng đạn cao nhất trong số các nước phát triển và số người sở hữu súng đạn cũng cao nhất trên toàn thế giới.
Đối với vấn nạn súng đạn ở Mỹ, các vụ xả súng hàng loạt chỉ là một phần của vấn đề khi số nạn nhân thiệt mạng chiếm phần nhỏ so với tổng số người chết vì súng đạn.
Thực tế cũng cho thấy, vấn nạn súng đạn tại Mỹ xuất phát từ chính bản thân súng đạn chứ không hẳn là các vấn đề sức khỏe tâm lý hay trò chơi bạo lực cũng như gia đình truyền thống bị phá vỡ như những người ủng hộ sở hữu và sử dụng súng thường tuyên bố. Một số nghiên cứu của Mỹ cho thấy số lượng hung thủ trong các vụ xả súng hàng loạt có vấn đề về sức khỏe tâm lý chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Bên cạnh đó, việc chỉ một số bang cũng như chính quyền địa phương ban hành luật hạn chế súng đạn trong khi các bang bên cạnh không thực hiện cũng khiến việc kiểm soát hiệu quả trở nên khó khăn hơn. Những người muốn sở hữu súng hoàn toàn có thể sang bang khác để mua mang về.
Để giải quyết vấn nạn súng đạn, nhiều dự luật đã được đề nghị nhưng không được thông qua. Việc trì hoãn các dự luật này không chỉ xuất phát từ các nỗ lực ngăn cản của Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ mà còn xuất phát từ quan điểm của đa số thành viên đảng Cộng hòa cũng như những người theo quan điểm bảo thủ ủng hộ đảng này.
Nếu nhìn lại quá khứ, thách thức mà Tổng thống Trump đang phải đối mặt dường như cũng tương tự như những gì mà Tổng thống Barack Obama đã từng trải qua trong nhiệm kỳ của mình. Chính vì thế, có thể nói rằng việc thay đổi bản chất văn hóa súng đạn của nước Mỹ gần như là không thể thực hiện được, ít nhất là trong ngắn hạn.
Sức ép của dư luận Mỹ đối với tổng thống Donald Trump trong việc xóa bỏ “ác mộng súng đạn”
Trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2018, đã có tới 18 vụ xả súng tại các trường học trên khắp nước Mỹ. Các vụ xả súng này, nhất là vụ thảm sát hồi tuần trước tại bang Florida, đã khiến làn sóng phẫn nộ cũng như phong trào đòi kiểm soát chặt chẽ súng đạn quay trở lại.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Đại học Quinnipiac thực hiện từ ngày 17-19/2 có tới 97% số người được hỏi muốn kiểm tra lý lịch những người mua súng, 50% số người được hỏi ủng hộ cấm bán vũ khí tấn công. Ngay cả đối với những người đang sở hữu súng, 50% ủng hộ luật súng đạn nghiêm ngặt hơn trong khi chỉ có 44% phản đối đề xuất này.
Áp lực dư luận Mỹ đối với vấn nạn súng đạn đang lên cao và điều này đã buộc Tổng thống Trump và chính quyền nhiều bang phải có các hành động cụ thể giải quyết vấn đề này. Trong thời gian tới, nhiều dự luật liên quan đến súng đạn sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, tương lai của những dự luật này có lẽ cũng giống như trước đó, sẽ không được thông qua hoặc trì hoãn vô thời hạn khi cả hai viện Quốc hội hiện nay đều do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng như ngay chính cá nhân Tổng thống Trump cũng là người ủng hộ mạnh mẽ quyền sở hữu súng đạn.
Trong nhiệm kỳ của mình, khó có khả năng Tổng thống Trump sẽ tiến hành các bước đi thực chất để giải quyết vấn nạn súng đạn tại Mỹ, các cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề này đã và sẽ còn kéo dài.
Theo Phạm Huân (Vov.vn)