Ngày 23/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ đề nghị Berlin cho phép gửi một số xe tăng Leopard của quân đội Ba Lan tới Ukraine.
Theo hãng tin AP của Mỹ, Thủ tướng Ba Lan không nói rõ khi nào ông sẽ nêu yêu cầu trên với phía Đức, nhưng nhấn mạnh ngay ngay cả khi không có sự cho phép của Đức, Warsaw sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.
Người đứng đầu chính phủ Ba Lan còn nói rằng Warsaw đang xây dựng một liên minh các quốc gia sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine.
Trước đó một hôm, khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ba Lan PAP, ông Morawiecki cũng tuyên bố Ba Lan sẵn sàng vượt qua sự phản đối của Đức để xây dựng “liên minh nhỏ hơn”, gồm các quốc gia và các đồng minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bàn giao cho Ukraine những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức sản xuất.
“Chúng tôi sẽ không thụ động nhìn Ukraine đổ máu”, ông Morawiecki nói và cho rằng giới lãnh đạo Đức phải chịu trách nhiệm về việc nước này từ chối cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Cũng trong ngày 23/1, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Arkadiusz Mularczyk cho biết trên Đài phát thanh Ba Lan rằng Đức có thể phải đối mặt với "sự cô lập quốc tế" trừ khi nước này đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Ông Mularczyk nhấn mạnh nhiều chính trị gia ở Đức cũng như tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác ủng hộ ý tưởng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kiev và nếu Đức tiếp tục lưỡng lực, vị thế quốc tế của nước này sẽ trở nên “rất yếu”.
Gần đây, Ba Lan liên tục thúc giục Berlin cho phép nước này và các nước khác gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.
Chính phủ Ba Lan muốn cung cấp 14 chiếc xe tăng Leopard từ kho dự trữ của mình và với sự tham gia của các quốc gia khác, với số lượng xe tăng Leopard gửi cho quân đội Ukraine lên tới 100 chiếc.
Về phía Nga, theo hãng AP ngày 23/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những diễn biến mới nhất về việc gửi xe tăng tới Ukraine "báo hiệu sự lo lắng ngày càng tăng giữa các thành viên của liên minh".
“Tất cả các quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc nâng cao trình độ công nghệ của họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó,” ông Peskov nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 23/1 cũng tái khẳng định tuyên bố của Moskva rằng các nguồn cung cấp của phương Tây có thể dẫn đến những hậu quả "không thể đoán trước".
Ông Ryabkov nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng leo thang căng thẳng là con đường nguy hiểm nhất và hậu quả có thể không lường trước được”.
Trước đó, vào ngày 22/1, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho rằng các chính phủ cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Ukraine có nguy cơ gây ra một “thảm kịch toàn cầu sẽ hủy diệt đất nước của họ”.
Theo ông Volodin, việc cung cấp vũ khí tấn công cho Kiev sẽ dẫn đến một “thảm họa toàn cầu” và “nếu Washington cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp vũ khí sẽ được sử dụng để tấn công các thành phố yên bình và cố gắng chiếm lãnh thổ của chúng tôi như họ đe dọa sẽ làm, thì điều đó sẽ kích hoạt một cuộc trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn”.
Do đó, nhà lập pháp Nga cho rằng các quan chức phương Tây nên nhận thức trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn kịch bản nêu trên.
Theo Thành Nam (Báo Tin Tức)