Theo RT, 27 Bộ trưởng Ngoại giao của khối đã nhất trí về gói 542 triệu đô la sau các cuộc thảo luận tại Brussels. Thụy Điển – quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu đã công bố thỏa thuận trên Twitter, nêu rõ: “Chúng tôi kiên định ủng hộ lực lượng vũ trang Ukraine.”
Tiền mua vũ khí sẽ được rút từ Quỹ Hòa bình châu Âu, vốn được EU sử dụng để hỗ trợ quân đội nước ngoài. Ukraine đã nhận được 3,36 tỷ đô la từ quỹ này, với các khoản viện trợ được chia làm bảy gói liên tiếp kể từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022.
Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cho thấy một bước ngoặt so với chính sách lâu đời của EU là không mua vũ khí để sử dụng trong các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Trước tháng 2 năm ngoái, Quỹ Hòa bình châu Âu chỉ được sử dụng để cung cấp thiết bị phi sát thương cho Georgia, Mali, Moldova, Mozambique và Ukraine, với tổng số tiền chưa đến 125 triệu đô la.
Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, cung cấp hơn 110 tỷ đô la cho nền kinh tế và quân sự của nước này kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, Washington từ chối viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Kiev, khiến các quan chức Ukraine và những người ủng hộ châu Âu nhiệt thành nhất của họ - chủ yếu là các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu - buộc Đức phải đảm nhận vai trò này.
Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Đức cung cấp xe tăng Leopard 2, hoặc cho phép các quốc gia châu Âu khác đang sử dụng Leopard 2 chuyển nó cho Kiev.
Berlin vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc viện trợ xe tăng Leopard, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock hôm 22/1 cho biết chính phủ của bà sẽ không ngăn Ba Lan gửi xe tăng của nước này tới Ukraine.
Nga cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột, đồng thời biến các quốc gia phương Tây trở thành những bên tham gia chiến sự.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)