Khi đến giờ Tổng thống Trump cần vào phòng ăn của khách sạn Metropole theo lịch trình sáng 28/2, cuộc thảo luận của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trở nên căng thẳng.
Trong bữa tối tại khách sạn tối hôm trước, ông Kim từ chối đề xuất của ông Trump: Triều Tiên từ bỏ tất cả vũ khí, vật chất và cơ sở hạt nhân để được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Một quan chức Mỹ mô tả đây là một đề xuất lớn, một ván cược của ông Trump rằng cá tính và năng lực thương lượng sẽ giúp ông thành công trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên thay vì thất bại như ba người tiền nhiệm, theo NYTimes.
Nhưng đề nghị của ông Trump về cơ bản vẫn là thỏa thuận mà Mỹ đã thúc đẩy và Triều Tiên đã khước từ trong 1/4 thế kỷ qua. Các cơ quan tình báo đã cảnh báo ông rằng ông Kim sẽ không sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí. Triều Tiên cũng nhiều lần nhấn mạnh sẽ chỉ thực hiện từ từ từng bước.
Một số phụ tá của ông Trump, tiêu biểu như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho rằng cơ hội để giải trừ hạt nhân hoàn toàn gần như bằng không. Một số người đặt câu hỏi liệu có nên tiến hành họp thượng đỉnh.
Nhưng ông Trump không đồng ý. Ông cho những vị khách đến Phòng Bầu dục xem những lá thư mà ông mô tả là "tuyệt vời" từ ông Kim. Ông cho rằng đây là bằng chứng cho thấy ông đã xây dựng mối quan hệ với lãnh đạo quốc gia khép kín nhất thế giới. Trong khi một số người tại Nhà Trắng lo lắng ông Trump đang quá lạc quan, Tổng thống tuyên bố ông và ông Kim yêu mến nhau.
Khi ông Trump và ông Kim kết thúc sớm lịch trình ngày 28/2, sự lạc quan và những lời tâng bốc nhau trong gần một năm qua bị bỏ lại ở bên bể bơi khách sạn Metropole, nơi hai ông đã đi dạo. Cách đó chỉ vài bước là phòng họp với hai chiếc ghế và những lá cờ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho lễ ký kết.
Ông Trump và các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, mặc dù chưa có gì được lên kế hoạch. Ông Kim đã hứa sẽ không tiếp tục thử vũ khí. Lầu Năm Góc dừng tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc.
Cái kết của hội nghị thượng đỉnh lần hai xuất phát từ đánh giá sai của cả hai phía. Khi mới nhậm chức đầu năm 2017, ông Trump cho rằng ông có thể kìm hãm đối phương bằng những lời đe dọa gay gắt và lệnh trừng phạt cứng rắn. Sau đó, ông đột ngột chuyển hướng sang nỗ lực ngoại giao với tin tưởng rằng ông có thể thuyết phục Triều Tiên.
Ông Kim cũng tính toán sai. Ông đặt cược rằng ông Trump có thể chấp nhận đề xuất mà các phụ tá của ông đã khước từ: Triều Tiên sẽ tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được ban hành từ năm 2016.
Không rõ liệu ông Trump có cảm thấy đề xuất đó hấp dẫn hay không. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo, người am hiểu chi tiết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên từ những ngày còn là giám đốc CIA, phản đối thỏa thuận đó. Tổng thống được tư vấn rằng nếu ông đồng ý, ông sẽ bị "hớ" vì Triều Tiên còn có những cơ sở hạt nhân khác trong các đường hầm trên khắp đất nước.
Phát ngôn trái ngược của Mỹ và Triều Tiên về lý do không đạt được thỏa thuận. Video: Washington Post. |
Để hiểu rõ con đường dẫn đến tình hình hiện tại, cần nhìn lại hai năm đầy biến động vừa qua.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên của chính quyền Trump. Có lần các phụ tá nghe thấy cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster (giữ chức tháng 2/2017 - 4/2018) và bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis (giữ chức tháng 1/2017 - 12/2018) cãi vã khi họp về cách gây áp lực lên Triều Tiên.
Ông McMaster muốn báo hiệu cho cả Triều Tiên và các đồng minh rằng ông Trump nghiêm túc trong việc thực thi các lệnh trừng phạt và ông sẽ không bao giờ chấp nhận để Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông còn gợi ý về khả năng tấn công phủ đầu nếu mối đe dọa gia tăng.
McMaster muốn Mattis chặn tàu Triều Tiên trên biển để xác định xem chúng có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Nhưng ông Mattis không đồng ý, lo ngại rằng cuộc chạm trán trên biển có thể nhanh chóng leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Trong khi đó, Triều Tiên liên tục thử tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn đến Mỹ. Ngoài ra, họ còn tuyên bố thử bom nhiệt hạch "mạnh chưa từng thấy".
Trong hơn một năm, Trump đã cho dừng các nỗ lực ngoại giao.
Khi Ngoại trưởng Rex Tillerson (giữ chức 2/2017 - 3/2018), nói với các phóng viên trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 10/2017 rằng "chúng tôi có hai, ba kênh liên lạc với Bình Nhưỡng", ông Trump viết trên Twitter rằng Tillerson thật ngờ nghệch và ám chỉ việc sử dụng phương án quân sự.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, ông Trump đột nhiên thay đổi cách tiếp cận. Trước sự kinh ngạc của các cố vấn, ông ngay lập tức nhận lời mời họp thượng đỉnh mà ông Kim đã nhờ phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chuyển lời.
Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6, các cuộc đấu khẩu đã kết thúc. Ông Trump tuyên bố ông Kim là một đối tác đáng được tôn trọng, hứa sẽ cải thiện quan hệ và đình chỉ các cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc.
Trump tuyên bố "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên", nhưng không nêu quy trình phi hạt nhân hóa cụ thể.
Một số trợ lý của ông, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cảm thấy ngỡ ngàng. Nhưng khi ông Trump nhắc đi nhắc lại rằng ông nên được trao giải Nobel Hòa bình, không ai muốn làm Tổng thống mất hứng.
Có những dấu hiệu rắc rối ngay từ đầu.
Ông Pompeo bay tới Bình Nhưỡng vào đầu tháng 7/2018 với mong muốn có thể yêu cầu Triều Tiên cung cấp bản kê khai toàn bộ cơ sở hạt nhân - bước đầu tiên để phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Kim Jong-un từ chối gặp ông. Thay vào đó, ông Pompeo đối thoại với Kim Yong-chol, cựu trùm tình báo có quan điểm cứng rắn với Mỹ.
Sau chuyến thăm, Triều Tiên nói rằng người Mỹ thúc ép "yêu cầu về phi hạt nhân hóa đơn phương và quá quắt như côn đồ". Tuy nhiên, ông Kim Jong-un vẫn muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện và sự tin tưởng lẫn nhau với ông Trump.
Thông điệp của họ rất rõ ràng: Đột phá chỉ có thể xảy ra nếu hai lãnh đạo gặp trực tiếp. Triều Tiên dường như tin rằng ông Kim có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn từ ông Trump so với những người đàm phán của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau đó, vào tháng 8/2018, ông Trump đột ngột hủy chuyến đi của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng, nói rằng không có đủ tiến triển trong các cuộc đàm phán. Đặc phái viên mới của Mỹ về Triều Tiên Stephen E. Biegun vốn có kế hoạch đi cùng ông Pompeo trong chuyến thăm này.
Trong khi đó, hoạt động ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tiến triển mạnh mẽ. Ông Moon và ông Kim gặp nhau hai lần trước hội nghị Mỹ - Triều tại Singapore và vào tháng 9/2018, ông Moon có chuyến thăm lịch sử tới Bình Nhưỡng.
Kết quả là họ ra Tuyên bố Bình Nhưỡng, vạch ra tiến trình hòa bình cho bán đảo. Triều Tiên tuyên bố đồng ý dỡ bỏ tổ hợp Yongbyon nếu Mỹ đưa ra các "biện pháp tương ứng".
Vậy Triều Tiên muốn gì?
Một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên muốn có được tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Bán đảo Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì các bên chỉ ký hiệp định đình chiến chứ chưa ký hiệp ước hòa bình. Ông Trump nói với ông Kim tại Singapore rằng ông ủng hộ ý tưởng này.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng tuyên bố đó có thể nhanh chóng dẫn đến các cuộc đàm phán về việc Mỹ rút 28.500 lính đóng tại Hàn Quốc - mục tiêu mà Bình Nhưỡng luôn hướng tới.
Vài ngày trước bầu cử giữa kỳ Mỹ tháng 11/2018, Triều Tiên cảnh báo rằng nước này sẽ quay trở lại chính sách tăng cường lực lượng hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Các lệnh trừng phạt đã bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên. Mỹ thậm chí còn "chặt cánh" nguồn viện trợ nhân đạo quan trọng cho nước này bằng cách cấm các nhóm thiện nguyện Mỹ tới đây.
Khi các nỗ lực ngoại giao đình trệ, Trump quyết định cân nhắc lại.
Bolton tuyên bố vào tháng 12/2018 rằng Trump muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh khác vào đầu năm 2019 vì Triều Tiên đã không tuân thủ các cam kết họ đưa ra ở Singapore.
Triều Tiên bổ nhiệm cựu đại sứ tại Tây Ban Nha Kim Hyok-chol để đàm phán với đặc phái viên Mỹ Biegun nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.
Các cuộc họp đầu tiên giữa họ ở Bình Nhưỡng không diễn ra suôn sẻ. Khi hai bên gặp lại tại Hà Nội 6 ngày trước hội nghị, Triều Tiên tiếp tục yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 vòng trừng phạt gần đây nhất do Liên Hợp Quốc áp đặt kể từ tháng 3/2016.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho sau này giải thích rằng Triều Tiên chọn những biện pháp đó vì chúng ảnh hưởng đến dân thường.
Các lệnh cấm vận này được áp đặt để trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi họ tiến hành các vụ thử vũ khí mới. Khác với các cấm vận trước đây chỉ tập trung vào vũ khí và các thiết bị liên quan đến hạt nhân, những vòng trừng phạt này nhắm vào toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu, bao gồm khoáng sản, kim loại, than, nông nghiệp và hải sản. Chúng cũng ngăn các nước bán năng lượng cho Triều Tiên.
Mức độ ảnh hưởng sâu rộng của các lệnh trừng phạt này là lý do các quan chức cứng rắn Mỹ muốn duy trì chúng. Sau khi ông Trump ra quyết định bất ngờ tại Singapore là đình chỉ tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc, họ cho rằng Mỹ đang mất đi đòn bẩy.
Bolton và các quan chức cứng rắn khác lo ngại Pompeo và các nhà ngoại giao có thể cho đi quá nhiều mà nhận về quá ít hoặc sẽ nhượng bộ Triều Tiên bằng cách chấp nhận nới lỏng trừng phạt.
Bài phát biểu tại Stanford của Biegun vào tháng 1/2019 giống như tiếng chuông báo động với họ: Đặc phái viên đề xuất rằng Triều Tiên có thể không cần ngay lập tức kê khai toàn bộ cơ sở hạt nhân - điều các quan chức Mỹ luôn coi như bước đầu tiên để giải trừ vũ khí. Nhưng trong các cuộc thảo luận kín, Biegun và nhóm của ông nói với Triều Tiên rằng việc từ bỏ các cơ sở tại Yongbyon là không đủ để đổi lấy nới lỏng trừng phạt.
Đồng thời, các nhà đàm phán của Triều Tiên cũng không nhất quán trong việc ấn định họ đồng ý tháo dỡ những cơ sở nào bên trong Yongbyon. Họ nói rằng chỉ ông Kim Jong-un có thể ra quyết định.
Cuộc đàm phán này vẫn bế tắc ngay cả khi ông Kim đã lên tàu còn ông Trump lên chuyên cơ Không lực Một để đến Việt Nam.
Nhóm đàm phán Mỹ cho rằng các đối tác Triều Tiên sẽ báo cáo với ông Kim về việc Mỹ không đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ 5 vòng trừng phạt. Vì vậy, hai lãnh đạo sẽ đưa ra một thỏa thuận khác trong cuộc họp thượng đỉnh.
Nhưng ngay sau khi ông Trump và ông Kim đến khách sạn Metropole, Chủ tịch Triều Tiên vẫn duy trì lập trường ông muốn được gỡ bỏ 5 vòng trừng phạt. Ông tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng dỡ bỏ Yongbyon.
Tuy nhiên, ông Trump muốn nhiều hơn thế với lập luận Triều Tiên còn sở hữu nhiều cơ sở hạt nhân bí mật. Hố sâu ngăn cách hai bên càng trở nên rõ ràng khi ông trao cho Kim tài liệu vạch rõ định nghĩa của Mỹ về phi hạt nhân hóa.
Ông Kim phản đối, nói rằng không có đủ sự tin tưởng giữa hai nước để Triều Tiên chấp nhận từ bỏ mọi thứ ngay lập tức.
Trong cuộc họp báo vào hơn 0h ngày 1/3 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Ri lập luận rằng Triều Tiên rất cần được bảo đảm về an ninh, ám chỉ đến lực lượng Mỹ đóng quân trên bán đảo. Ông mô tả việc đổi Yongbyon lấy nới lỏng trừng phạt là bước đi để xây dựng lòng tin.
Cuối cùng, ông Trump bay trở lại Washington mà không có thỏa thuận nào. Chỉ có những hứa hẹn rằng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán.
Ngày 1/3, khi ông đã trở về Nhà Trắng, chiếc bàn gỗ dài được chuyển vào phòng họp của khách sạn Metropole để phục vụ lễ ký kết thỏa thuận vẫn ở đó, không được sử dụng.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)