Ứng viên của ít nhất hai đảng chính trị ở Thái Lan hôm nay đệ đơn kiện lên Ủy ban Bầu cử khiếu nại về những hành động mà họ cho là sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm phiếu cuối cùng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Sau cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ở Thái Lan hôm 24/3, cả đảng Phalang Pracharat và đảng Pheu Thai có quan hệ với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đều tuyên bố mình có quyền thành lập chính phủ, nhưng kết quả kiểm phiếu cuối cùng chỉ được công bố trong vài tuần tới.
Pannika Wanich, phát ngôn viên đảng Hướng tới Tương lai, cho rằng đảng thân quân đội Phalang Pracharat của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã có hành vi dùng tiền, quà cáp để mua chuộc quan chức địa phương và "mua phiếu bầu phạm luật". Một ứng viên khác của đảng này báo cáo về tình trạng đe dọa cử tri trong một địa điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bangkok.
"Có một sĩ quan quân đội đứng bên trong địa điểm bỏ phiếu để quan sát xem các sĩ quan quân đội có bầu cho đảng mà ông ta muốn thắng hay không", ứng viên Chris Potranan viết trong đơn khiếu nại.
Một thành viên đảng Pheu Thai cũng nộp đơn khiếu nại về hành vi kiểm đếm phiếu bầu gian lận tại khu vực bầu cử Bangkok. "Quan sát viên của chúng tôi tại các điểm bầu cử thông báo về kết quả kiểm phiếu không chính xác khi việc kiểm đếm được tiến hành ở khu vực tối", ứng viên Trirat Sirichantharopas nói.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan tới nay đã nhận hơn 180 đơn khiếu nại về kết quả bầu cử. Ủy ban này hôm qua công bố kết quả kiểm phiếu mới nhất, cho thấy đảng Palang Pracharat giành 8,4 triệu phiếu, đảng đối lập Pheu Thai đứng thứ hai với 7,9 triệu phiếu, đảng Hướng tới Tương lai được hơn 6,2 triệu phiếu; đảng Dân chủ giành 3,9 triệu phiếu và đảng Bhumjaithai có 3,7 triệu phiếu.
Kết quả này làm dấy lên những hoài nghi về cung cách làm việc của Ủy ban Bầu cử bởi nó chứa đựng những số liệu bất nhất với kết quả kiểm phiếu sơ bộ trước đây. Khoảng 1.000 cử tri Thái Lan hôm nay ký vào đơn kiến nghị đòi giải tán Ủy ban Bầu cử, với lý do cơ quan này "không hoàn thành nhiệm vụ của mình". Đơn này cần ít nhất 20.000 chữ ký để trở thành bản kiến nghị chính thức yêu cầu điều tra Ủy ban Bầu cử.
Hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2017 quy định người đắc cử thủ tướng cần đạt đa số phiếu trong tổng số phiếu bầu tại Thượng viện và Hạ viện. Hiến pháp này cũng quy định 250 ghế tại Thượng viện đều do quân đội chỉ định, tạo lợi thế cho ông Prayut giữ vững quyền lực. Do đó, đảng Palang Pracharath về mặt lý thuyết chỉ cần giành 126 ghế Hạ viện để có 376 phiếu, đủ cho ông Prayut đắc cử.
Nếu ông Prayut đắc cử và Pheu Thai duy trì liên minh sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, Thái Lan sẽ có một chính phủ thiểu số bấp bênh. Lãnh đạo đảng Hướng tới Tương lai Thanathorn Juangroongruangkit cảnh báo điều này sẽ khiến "đất nước hỗn loạn và xã hội đi vào ngõ cụt".
Theo Trí Dũng (Dân Việt)