Khi Thái Lan tổ chức bầu cử vào ngày 24/3, cái bóng của cuộc tổng tuyển cử nhiều thập niên trước đó ám ảnh cuộc bỏ phiếu.
Tháng 4/1992, hiến pháp mới do quân đội soạn thảo đã cho phép tướng quân đội Suchinda Kraprayoon trở thành thủ tướng mà không cần phiếu bầu của cử tri. Nội các gồm 50 bộ trưởng của Suchinda là nội các lớn nhất trong lịch sử Thái Lan. Nó tràn ngập các chính trị gia tham nhũng, mưu mô mà cuộc đảo chính vào tháng 2/1991 của ông đáng ra đã muốn loại bỏ.
Công chúng phản ứng ngay lập tức. Những người biểu tình ôn hòa đổ xuống đường và những người tuyệt thực tọa kháng bên ngoài quốc hội. Đám đông giận dữ đã đả kích bài phát biểu chính sách của Suchinda từ bên ngoài phòng họp và buộc ông phải trốn qua lối cửa sau.
Lạ lẫm với chính trường, Suchinda không thể kiểm soát nội các gồm các chính trị gia lão luyện do dân bầu của mình. Yêu cầu Suchinda từ chức của công chúng cuối cùng đã dẫn đến sự kiện cuộc đổ máu "Tháng Năm đen", khi quân đội bắn vào dân thường không vũ trang.
Sự ô nhục và lời hứa năm 1992
Theo Nikkei Asian Review, ít nhất 52 người đã thiệt mạng và hơn 40 nhà báo nằm trong số hàng trăm người bị thương trong các cuộc đàn áp kéo dài 3 ngày.
Sau cuộc can thiệp kịch tính vào phút cuối của Vua Bhumibol Adulyadej, Suchinda đã từ chức nhưng đòi hỏi không phải chịu trách nhiệm về những người thiệt mạng.
Vài tuần sau, nhà vua tái bổ nhiệm Anand Panyarachun làm thủ tướng. Anand, doanh nhân nổi tiếng và cựu nhà ngoại giao, nắm quyền thủ tướng dù không được bầu vào năm 1991. Ông đã tổ chức các cuộc bầu cử mới trong vòng chưa đầy 4 tháng.
Anand cũng chuyển 16 trong số các sĩ quan quân đội cao cấp nhất chịu trách nhiệm về vụ bạo lực Tháng Năm sang các chức vụ ít hoặc không có quyền hành. Đây là lệnh trừng phạt vô tiền khoáng hậu của một thủ tướng dân sự.
Mặc dù vậy, Anand vẫn bị chỉ trích vì không khởi tố các sĩ quan nặng tội nhất. Các chính phủ dân sự được bầu sau đó cũng từ chối trừng phạt quân đội.
Sau sự ô nhục năm 1992, quân đội đã cam kết chuyên nghiệp hóa và từ bỏ chính trị vĩnh viễn. Tuy nhiên, họ đã trở lại vào năm 2006 với cuộc đảo chính chống lại thủ tướng khi đó, ông Thaksin Shinawatra.
Tướng Surayud Chulanont, chỉ huy quân đội và Tư lệnh tối cao Quân đội đã nghỉ hưu, sau đó đã rời hội đồng cơ mật để làm thủ tướng được chỉ định không qua bầu cử trong 16 tháng.
Trong nhiệm kỳ của ông, hiến pháp một lần nữa được soạn thảo lại với khoảng 20 điều lệ kể từ khi Thái Lan trở thành một nền dân chủ lập hiến trên danh nghĩa vào năm 1932.
Trớ trêu thay, Surayud là một trong những sĩ quan chỉ huy lực lượng tại Bangkok năm 1992 từng tuyên bố rằng quân đội không còn liên quan đến chính trị.
Từ chối rời bỏ quyền lực
Một cuộc đảo chính khác đã được tướng Prayuth Chan-ocha tổ chức vào năm 2014. Chính quyền của ông được lập ra để chấm dứt xung đột chính trị nghiêm trọng và điều phối sự kế vị của hoàng gia vào năm 2016 khi Quốc vương Bhumibol qua đời.
Tuy nhiên, quân đội đã từ chối rời bỏ quyền lực sau đó, thậm chí cả sau lễ hỏa táng hoàng gia một năm sau. Một lần nữa, hiến pháp được viết lại, lần này trong một hình thức thậm chí còn khó sửa đổi hơn nếu không có đảo chính. Các công chức chính phủ phải tuân theo kế hoạch chiến lược kéo dài 20 năm nếu không muốn bị sa thải.
"Những gì chúng ta chứng kiến từ năm 2006 là một bước ngoặt bi thảm. Chúng ta đã thấy sự trở lại của quân đội không chỉ với chủ nghĩa chuyên chế cũ của họ mà còn với hệ tư tưởng chống dân chủ", nhà sử học Chris Baker nói với Nikkei Asian Review.
Khoảng cách kéo dài giữa các cuộc bầu cử chính là kết quả của sự cai trị quân sự từ những năm 1950 đến đầu những năm 1970, khi Thái Lan bị một loạt tướng lĩnh cai trị.
Quyền lực gần 5 năm của Prayuth vượt quá các chính phủ được bổ nhiệm của Sanya Dhammasakdi (1973), Anand (1991 và 1992) và Surayud (2006). Chính phủ đầu tiên của ông Thaksin vào năm 2001 là chính quyền duy nhất được bầu trong lịch sử Thái Lan trải qua hết một nhiệm kỳ 4 năm. Ông cũng là thủ tướng đầu tiên tái đắc cử lại với tỷ lệ ủng hộ tăng lên.
Paul Chambers, nhà phân tích hàng đầu của quân đội Thái Lan, mô tả cuộc đảo chính năm 2014 là phần một trong nỗ lực nắm quyền của giới quân sự "thông qua vỏ bọc dân chủ". Cuộc bầu cử ngày 24/3 chính là "phần hai" của những nỗ lực này.
Trong khi đó, ông Baker coi đây là cuộc bầu cử "thú vị nhất" mà ông từng thấy. "Thành thật mà nói, chúng ta hoàn toàn không biết điều gì sẽ diễn ra và hay khi nào thì biết kết quả", ông cho biết.
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)