Cùng với AN/TPQ-49 do Mỹ sản xuất còn có radar AN/TPQ-36 cũng sẽ tham gia cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày độc lập năm nay của Ukraine. Theo nguồn tin của Army Recognition, đây là những khí tài được Mỹ cấp cho Ukraine trong giai đoạn năm 2015-2016.
Hệ thống radar AN/TPQ-49 được phát triển để có thể chống lại các mối đe dọa từ hỏa lực pháo binh của đối phương, nó có thể xác định ngay lập tức vị trí trận địa pháo binh của địch từ ngay trong loạt đạn đầu tiên.
AN/TPQ-49 có thể xác định chính xác tọa độ hỏa lực của địch với độ sai lệch thấp trong phạm vi từ 5-10km. Ngoài ra, AN/TPQ-49 có thể thực hiện chế độ giám sát liên tục với góc quét 360 độ nhờ sử dụng một ăng-ten radar 3D cố định, điều này giúp AN/TPQ-49 có thể theo dõi và phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc trong một khu vực giám sát cực rộng.
Không những vậy, AN/TPQ-49 còn có thể được tùy chỉnh để thực hiện chế độ giám sát ở một hướng cố định, với khả năng cung cấp dữ liệu theo thời gian thực.
Từ khi được triển khai, AN/TPQ-49 đã giúp Quân đội Ukraine đối phó lại với lực lượng pháo binh của phe ly khai miền Đông nước này. Mặt khác AN/TPQ-49 cũng có thể được kết nối với các hệ thống tên lửa đánh chặn tầm ngắn hỗ trợ.
Tính đến thời điểm này, AN/TPQ-49 cũng với tên lửa chống tăng Javelin là loại vũ khí, khí tài tối tân hàng đầu mà Mỹ hỗ trợ cho Quân đội Ukraine nhằm chống lại lực lượng ly khai miền Đông, bất chấp sự phản đối từ Nga.
Việc Mỹ cung cấp vũ khí và khí tài cho Ukraine được phóng viên - chuyên gia quốc phòng Artyr Balaev của Ukraine cho rằng động thái này có thể chọc giận Nga. Tổ hợp tên lửa chống tăng hiện đại Javelin và hệ thống phòng không có thể là nguyên nhân mở ra cuộc xung đột mới.
Trong khi đó chuyên gia quân sự Oleg Zhdanov lại nghĩ khác. Việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể nằm trong kế hoạch quân sự và chính trị. "Trong mọi trường hợp điều này hoàn toàn có lợi cho Ukraine. Về mặt quân sự, việc Mỹ cấp vũ khí sát thương công nghệ cao cho quân đội sẽ tăng khả năng chiến đấu của các lực lượng và sẽ ít gây tổn thất cho các lực lượng.
Về vấn đề chính trị, việc Mỹ cấp vũ khí trang thiết bị cũng như viện trợ cho Ukraine cho thấy rằng, Kiev không đơn độc chiến đấu, họ có đồng minh rất tốt và rất mạnh?", ông Zhdanov cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ InfoResist.
Điều này có nghĩa là việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là hành động bình thường và hoàn toàn không chọc giận Nga. Trước đó vào ngày 17/7, chuyên gia quân sự, phóng viên Ukraine Yuri Butusov đã tuyên bố, trong tình hình hiện nay các lực lượng vũ trang của Ukraine cần trang bị vũ khí sát thương, loại vũ khí có khả năng tiêu diệt các tổ hợp pháo di động hạng nặng ở khoảng cách từ 10 km đến 20 km.
Cùng với đó, Mỹ cũng đã đưa các chuyên gia của mình sang huấn luyện cho quân đội Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ. Trước đó, trên kênh truyền hình quân đội Ukraine đã thông báo rằng, từ giữa năm 2017, chuyên gia Mỹ đã bắt đầu huấn luyện cho binh sĩ Ukraine vận hành những radar tối tân và tên lửa Javelin.
Theo Tuấn Vũ (Báo Đất Việt)