Thông tin về việc triển khai này được hãng RT dẫn thông báo của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết, lực lượng này muốn lắp đặt hệ thống radar phòng thủ tên lửa tại Hawaii nhằm đối phó "các mối đe dọa bị tấn công bằng tên lửa trong khu vực Thái Bình Dương".
Theo tiết lộ của MDA, hệ thống radar mới dự kiến triển khai sẽ phân biệt được các đầu đạn mồi nhử đến các đầu đạn thật trên các tên lửa có nguy cơ tấn công Mỹ trước khi các hệ thống đánh chặn nhận được thông tin và can thiệp.
Đài radar này sẽ hỗ trợ xác định các mối đe dọa tên lửa hành trình tầm xa từ giữa hành trình. Hiện thời, MDA đang nghiên cứu 2 địa điểm trên đảo đảo Oahu của Hawaii để đặt hệ thống radar. Ước tính, hệ thống này có thể rộng khoảng 9-15 m và cao 18-24 m.
Dù chưa triển khai chính thức nhưng tính đến thời điểm hiện tại, quốc hội Mỹ đã duyệt chi 61 triệu USD cho giai đoạn lên kế hoạch cho dự án, nhưng chưa cấp vốn cho hệ thống trị giá 1 tỷ USD.
Việc Mỹ quyết định triển khai hệ thống radar phòng thủ tối tân tại Hawaii diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Triều Tiên đang cải thiện mối quan hệ, đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 12/6.
Bất chấp tất cả, việc lắp đặt radar đã được thông qua trong một đạo luật về quốc phòng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký vào tháng 12/2016.
Phản ứng trước quyết định triển khai radar phòng thủ đến Hawaii của Mỹ, truyền thông Nga cho rằng, thực chất việc triển khai mới diễn ra khi năng lực phòng thủ của Mỹ tại đây cực tệ. Và thực tế này đã được chính người Mỹ thừa nhận.
Trên Kênh truyền hình Fox, Trung tá Michael Waltz của Mỹ đã tiết lộ thông tin gây sốc về tỷ lệ đánh chặn thành công của phòng thủ nước này trước cuộc tấn công từ bên ngoài. "Vấn đề mà tôi nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ là hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Mỹ, các hệ thống ở California, Alaska và Hawaii để bắn hạ những thứ bay từ không trung, chỉ hiệu quả khoảng 50%.
Trong các vụ thử bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên không trung, hiệu quả chỉ ở mức 50%", Trung tá Michael Waltz cho biết. Sự thừa nhận bất ngờ được vị sĩ quan này đưa ra sau khi Hawaii rơi vào sự hỗn loạn vì cảnh báo tên lửa đạn đạo nhầm, trong đó kêu gọi người dân trú ẩn do một tên lửa sắp bay tới.
Vấn đề càng khiến dân tại Hawaii lo lắng hơn bởi tỷ lệ đánh chặn thành công của phòng thủ Mỹ liên tiếp giảm. Được biết, ngay trước thời điểm tướng Waltz đưa ra tuyên bố với 50% tỷ lệ đánh chặn thành công, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cũng đã thẳng thắn:
"Tất cả binh sĩ đều tự tin vào khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, dù tỷ lệ thành công là 60%. Trong 18 lần thử, tên lửa đánh chặn đánh trúng mục tiêu 10 lần. Chúng ta có thất bại nhưng chúng ta học thêm được nhiều điều từ chúng", Dan Sullivan cho biết.
Theo nguồn tin này, các thành viên trong Tiểu đoàn Phòng vệ Tên lửa 49 tại Fort Greely gọi họ là 300 binh sĩ bảo vệ 300 triệu người Mỹ ở tất cả 50 bang.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thừa nhận: "Mỹ không thể không làm gì khi đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa ICBM, tôi nghĩ hầu hết người Mỹ đều đồng tình với tôi. Tuy nhiên, phòng thủ Mỹ chỉ có thể đối phó được khoảng 60% các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa".
Để bù đắp vào sự hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống phòng thủ, cùng với việc tăng cường radar mới, Mỹ đã quyết định bật lại hệ thống cảnh báo tên lửa tại Hawaii có từ thời Chiến tranh lạnh.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)