Tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ, động thái trên nhằm thuyết phục Chính phủ Anh hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với tài sản của ông Fridman. Song, tỷ phú Nga đã bác bỏ nhận định này.
Trong khi đó, Roman Shpek, Chủ tịch Hội đồng giám sát chi nhánh Alfa ở Ukraine nhấn mạnh: “Alfa mong muốn, với tư cách là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Ukraine … đóng vai trò tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế Ukraine sau xung đột”.
Ông Shpek giải thích, 1 tỷ USD trích lấy từ tài sản cá nhân của tỷ phú Fridman có thể được sử dụng để giúp Kiev tái thiết cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực và năng lượng. Theo ông, khoản quyên góp là "một dự án kinh tế thực sự quan trọng" và không liên quan đến triển vọng giảm bớt các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Alfa hồi tháng 6 từng đề xuất việc chuyển số tiền trên cho Ngân hàng quốc gia Ukraine, nơi cần phê duyệt khoản đóng góp trước khi vấn đề có thể được chuyển cho Liên minh châu Âu (EU) xử lý. Brussels cuối cùng sẽ chịu trách nhiệm về việc cho phép các quỹ rời khỏi châu Âu. Chi nhánh Alfa tại Ukraine đã thay mặt ông Fridman kiến nghị lên Hội đồng châu Âu về khoản tài trợ "khủng" hồi tuần trước.
Ông Fridman, người sinh ra ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine đã từ chức giám đốc công ty mẹ của Alfa vào tháng 3, vài ngày sau khi EU và Anh áp trừng phạt Moscow và các nhà tài phiệt Nga vì cuộc xung đột ở nước láng giềng.
Dù cá nhân ông Fridman không bị Mỹ trừng phạt nhưng Alfa nằm trong "danh sách đen" của Bộ Tài chính Mỹ, đồng nghĩa các công ty khác phải cắt đứt quan hệ với ngân hàng này để tránh nguy cơ cũng bị xử phạt. Các tổ chức của Anh đã xa lánh tỷ phú Nga vì các lệnh trừng phạt cá nhân của London nhằm vào ông.
Bộ Ngoại giao Anh mới đây tuyên bố, nước này sẽ "không dung thứ cho bất kỳ biện pháp né tránh trừng phạt nào".
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)