Sau một tuần động đất và cảnh báo liên tục, vụ phun trào bắt đầu ngày 3-5 bắn thẳng nham thạch lên trời từ một vết nứt trên đường và đưa dòng đá nóng chảy trôi qua một khu rừng.
Đến ngày 4-5, hoạt động phun trào tiếp tục khi nham thạch phun ra ngoài từ các lỗ thông hơi trên 2 con đường, khiến các khu vực bên dưới có nguy cơ bị chìm.
Sau vụ phun trào, một loạt những trận động đất ngày càng mạnh cũng xảy ra trong khu vực. Theo báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), một trận động đất cấp độ 6,9 xảy ra ở khu vực Đông Nam của núi lửa.
Cộng đồng dân cư Leilani Estates gần thị trấn Pahoa ở Đảo Lớn dường như là những người gặp nguy cơ lớn nhất. Theo thông tin của Cơ quan Quốc phòng Dân sự, có nhiều vết nứt xuất hiện trên 3 con đường và yêu cầu cư dân nào còn ở lại phải sơ tán.
Ngoài ra, trong không khí còn có mức độ khí sulphur dioxide cực kỳ độc hại và có khả năng gây chết người nhưng đội cứu hộ lại không có khả năng giúp đỡ những người hít phải.
Chưa có báo cáo nào về thương vong nhưng có ít nhất 100 người đang tạm trú trong các nhà trú ẩn trong khi những người khác lánh nạn ở nhà người thân và bạn bè. Thống đốc bang Hawaii đã điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ việc sơ tán và đảm bảo an toàn cho khoảng 900 căn nhà tại Leilani Estates và Lanipuna Gardens.
Núi lửa Kilauea thường phun trào định kỳ trong nhiều thập kỷ qua và các nhà khoa học cho biết họ không có cách nào dự đoán xem mỗi lần phun trào sẽ kéo dài bao lâu. Trong thời gian qua, phần lớn các lần hoạt động của núi lửa Kilauea đều không quá dữ dội. Tuy nhiên, một vụ phun trào năm 1924 đã phóng tro cùng 10 tấn đá lên trời và làm 1 người thiệt mạng.
Clip ghi lại sự kiện núi lửa Kilauea phun trào trên đảo Hawaii. Nguồn: Youtube |
Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)