Phạm Băng Băng và Mạnh Hồng Vĩ. Một nữ diễn viên và một quan chức an ninh cấp cao chẳng liên quan tới nhau nhưng số phận của họ lại có những điểm tương đồng bất ngờ thú vị. Họ đều là những nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế dù ở những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng 2 người đã và đang trở thành những mục tiêu nổi bật trong chiến dịch chống trốn thuế, tham nhũng, hối lộ của chính phủ Trung Quốc.
Nàng Hoa đán trốn thuế
Cùng với Chương Tử Di, Lý Băng Băng và Triệu Vy, Phạm Băng Băng được mệnh danh là một trong “Tứ đại Hoa đán”, những người đẹp nổi tiếng và có quyền lực nhất Trung Quốc với những khối tài sản kếch xù.
Phạm Băng Băng sinh ra trong một gia đình trung lưu dưới thời “cải cách và mở cửa” của ông Đặng Tiểu Bình, khi những chính sách tạo ra vô vàn cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế bùng nổ khiến diện mạo Trung Quốc thay đổi nhanh chóng.
Trong trường hợp của Phạm Băng Băng, cơ hội cùng một chút may mắn đã đến với cô gái xinh đẹp, khôn ngoan và chăm chỉ. Cô vươn lên trở thành ngôi sao hàng đầu Trung Quốc, xuất hiện cùng các ngôi sao quốc tế trong nhiều phim bom tấn và làm đại diện của nhiều thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Cartier, and Mercedes-Benz.
Chính vì thế, khi Phạm Băng Băng đột ngột “biến mất” hồi tháng 7, không một lời nhắn nhủ người hâm mộ trên mạng xã hội, không tham gia bất cứ sự kiện nào, dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc đã đưa ra vô vàn thuyết âm mưu, chủ yếu tập trung vào những nghi ngờ lâu nay rằng nữ minh tinh này trốn thuế và đồn đoán rằng cô đã bị bắt cóc hoặc trốn ra nước ngoài.
Nhưng tuần trước, sau 3 tháng mất tích, Phạm Băng Băng lại bất ngờ “tái xuất”, không phải trên màn ảnh mà thông qua một bức tâm thư trên mạng xã hội, nơi cô có khoảng 62 triệu người theo dõi, qua đó xin lỗi và thừa nhận việc ký các “hợp đồng âm dương” (một hợp đồng giá trị lớn ký với ngôi sao và một hợp đồng giá trị nhỏ để khai báo) nhằm trốn thuế.
Phạm Băng Băng sẽ phải nộp cho nhà nước số tiền thuế và tiền phạt lên đến 130 triệu USD.
Nhưng đó chưa phải “chiến thắng” lớn nhất của bộ máy công quyền Trung Quốc trong vụ án này. Điều đáng chú ý hơn chính là thông điệp xin lỗi của Phạm Băng Băng không chỉ đề cập hành vi trốn thuế của cô như một sai lầm cá nhân mà là sự phản bội tổ quốc.
“Tôi chịu ơn đất nước và dân tộc tôi vì đã ủng hộ cho sự thành công của tôi” – Phạm Băng Băng viết. “Không có chính sách vĩ đại của đảng và đất nước, không có tình yêu của người dân thì sẽ không có Phạm Băng Băng. Tôi đã làm đất nước tôi thất vọng”.
Lãnh đạo thuế Trung Quốc bị kỷ luật, cách chức sau vụ Phạm Băng Băng 5 lãnh đạo cơ quan thuế tại thành phố Vô Tích phải chịu trách nhiệm về hành vi trốn thuế của Phạm Băng Băng.
Và thông điệp của Phạm Băng Băng, rằng cô cảm thấy xấu hổ vì đã không “bảo đảm lợi ích của đất nước và xã hội trước lợi ích cá nhân”, cũng dễ khiến người ta nhớ đến những bài phát biểu của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông hay đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ yêu nước.
Mạnh Hồng Vĩ “biết luật mà phạm luật”
Như một bộ phim nhiều tập, khi “nữ chính” Phạm Băng Băng “hạ màn” cũng là lúc cuộc chiến chống trốn thuế, tham nhũng và hối lộ ở Trung Quốc giới thiệu một “nam chính” mới – Mạnh Hồng Vĩ.
Chỉ một ngày sau khi Phạm Băng Băng “tái xuất” đã có tin rằng ông Mạnh Hồng vĩ (Meng Hongwei), 64 tuổi, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), cũng đột ngột mất tích không lâu sau khi từ trụ sở Interpol ở Lyon, Pháp, trở về Trung Quốc.
Nhưng nếu như Phạm Băng Băng bị giam lỏng trong một khu nghỉ dưỡng (theo South China Morning Post) suốt thời gian dài, không rò rỉ thông tin nào ra ngoài, thì với ông Mạnh Hồng Vĩ, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng khẳng định Chủ tịch Interpol đang bị điều tra vì tội tham nhũng và hối lộ.
Chỉ vài giờ sau, Interpol thông báo ông Mạnh đã từ chức Chủ tịch. Một ngày sau, chính quyền Trung Quốc thông báo ông Mạnh bị bắt với cáo buộc tham nhũng và hối lộ.
Trong vòng 5 năm qua, hơn 1,5 triệu quan chức đã bị trừng phạt trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhìn vào tấm gương của những quan chức cấp cao Trung Quốc đã bị xét xử, số phận của ông Mạnh coi như đã định. Trong hệ thống luật pháp Trung Quốc, bị cáo một khi đã bị bắt thì khó có thể thoát tội (Tỷ lệ kết án ở Trung Quốc cao hơn 98%).
Trớ trêu thay, không ai tỏ tường cách vận hành của hệ thống pháp luật Trung Quốc hơn là ông Mạnh, người đóng vai trò chính trong các chiến dịch an ninh của nước này, bao gồm việc truy bắt những quan chức cấp cao bị tình nghi tham nhũng.
Nếu nói Phạm Băng Băng là Hoa đán hàng đầu Trung Quốc thì vị thế của ông Mạnh trong giới an ninh nước này cũng ngang ngửa như vậy.
Nhưng việc ông Mạnh không thể bắt được Guo Wengui, tỷ phủ bất động sản thường chỉ trích chính phủ Trung Quốc và đang phải sống lưu vong, có lẽ đã góp phần khiến ông sa sút.
Khác với những quan chức trước đây bị Trung Quốc xét xử, ông Mạnh có vị thế nhất định ở một tổ chức quốc tế, là đại diện của Trung Quốc ở Interpol, cũng như cách mà Phạm Băng Băng đại diện cho Trung Quốc trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes.
Những cú “ngã ngựa” từ đỉnh cao sự nghiệp như Phạm Băng Băng và Mạnh Hồng vĩ đã củng cố nhận định của giới quan sát rằng, giới chức Trung Quốc đang cực kỳ quyết liệt trong cuộc chiến chống trốn thuế, tham nhũng và hối lộ, mà ở đó, Bắc Kinh sẵn sàng “ra tay” với những nhân vật hàng đầu và biến họ thành tấm gương cho toàn xã hội.
Rõ ràng, nhân vật càng lớn, có sức ảnh hưởng truyền thông càng rộng, thì hiệu ứng răn đe càng mạnh, không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, gửi đi thông điệp về sự cứng rắn của Bắc Kinh.
Theo Diệu Hương (Vov.vn)