Cộng đồng quốc tế trong những ngày qua chấn động khi Trung Quốc ngày 8/10 xác nhận đang điều tra Mạnh Hoành Vĩ, chủ tịch Interpol, người không liên lạc với gia đình suốt nhiều ngày kể từ khi trở về nước hôm 25/9. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là vì sao người đứng đầu một tổ chức quốc tế như Interpol lại có thể "biến mất hoàn toàn" trong suốt nhiều ngày như vậy, theo CNN.
Ty Joplin, bình luận viên trang Al Bawaba có trụ sở ở Jordan, cho rằng những hành động của nhà chức trách Trung Quốc trong vụ điều tra Mạnh Hoành Vĩ là thiếu minh bạch và đi ngược lại các thông lệ quốc tế, nhất là khi đối tượng bị lưu giữ và điều tra của họ là người đứng đầu một tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Joplin khẳng định việc Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (NSC) điều tra Mạnh Hoành Vĩ vì nghi ngờ ông này nhận hội lộ cũng như có các hành vi phạm pháp khác là đúng theo quy định luật pháp của nước này, cũng như không đi ngược lại bất cứ điều luật, quy định quốc tế nào khác. Dù giữ cương vị Chủ tịch Interpol, Mạnh Hoành Vĩ vẫn là công dân Trung Quốc, còn là Thứ trưởng Bộ Công an nước này, nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật Giám sát mà NSC là cơ quan thi hành.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là Trung Quốc che giấu hoàn toàn việc lưu giữ và điều tra Mạnh Hoành Vĩ, ngay cả với Interpol và người thân trong gia đình ông. Một nguồn tin của SCMP cho biết ngay khi đặt chân xuống sân bay Trung Quốc hôm 25/9, ông Mạnh đã bị các điều tra viên dẫn đi để thẩm vấn. Từ hôm đó đến ngày 5/10, Interpol và vợ Mạnh Hoành Vĩ không nhận được bất cứ thông tin nào từ ông.
Bà Grace Mạnh, vợ của Mạnh Hoành Vĩ, kể với AP rằng đúng một tuần sau khi chồng bà về nước, một người đàn ông nói tiếng Trung gọi điện tới căn hộ của bà ở Lyon, Pháp giữa đêm khuya. "Hãy nghe và đừng nói gì cả. Chúng tôi có hai đội công tác đến đây, hai đội chỉ vì bà", người này nói với giọng đe dọa.
Grace Mạnh cho biết thông tin nhận dạng duy nhất mà người này tiết lộ là ông ta từng làm việc cho Mạnh, có thể là trong cơ quan an ninh Trung Quốc. Ông ta cũng nói rằng biết rõ nơi bà đang ở. "Thử tưởng tượng xem, chồng thì đang mất tích, con thì đang ngủ đúng lúc tôi nhận được cuộc gọi đó. Tôi đã rất sợ hãi", bà kể lại. Cảnh sát Pháp đã phải đặt bà vào diện "bảo vệ đặc biệt" vì lời đe dọa này.
Trong ba ngày sau khi bà Grace Mạnh trình báo về sự mất tích của chồng mình hôm 5/10, buộc cảnh sát Pháp và Interpol vào cuộc điều tra, Trung Quốc vẫn giữ im lặng hoàn toàn về tung tích của Mạnh Hoành Vĩ. Chỉ đến đêm 8/10, NSC mới đăng một dòng thông báo ngắn ngủi trên website của mình rằng ông Mạnh đang bị điều tra, nhưng không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào về tình trạng pháp lý của ông này cũng như lý do ông bị điều tra.
Đến hôm sau, nhà chức trách Trung Quốc mới ra thêm một thông báo ngắn nữa, cho biết Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra vì bị tình nghi "nhận hối lộ và các tội danh khác", nhưng cũng không nói rõ ông có bị bắt giữ, khởi tố hay không, cũng không tiết lộ nơi ông đang ở hiện nay.
Giới quan sát cho rằng các động thái này của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại thông lệ tư pháp của quốc tế, đặc biệt là đối với quan chức đứng đầu những tổ chức lớn.
Khi bắt giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn tại sân bay vào ngày 14/5/2011, cảnh sát Mỹ đã thông báo ngay với IMF về việc ông này bị cáo buộc tấn công tình dục một người dọn phòng khách sạn ở Manhattan. Thông tin Strauss-Kahn bị khởi tố 4 ngày sau đó được công bố rộng rãi và ông này gửi đơn từ chức tới IMF.
Sau khi được tại ngoại với số tiền bảo lãnh một triệu USD, Strauss-Kahn bị quản thúc trong một căn hộ ở New York để phục vụ quá trình điều tra. Ông được tự do vào tháng 7/2011 sau khi các cáo buộc chống lại ông bị hủy vì chứng cứ không đủ sức thuyết phúc. Michael Caster, nhà nghiên cứu sống ở Bangkok, nhận xét rằng cách xử lý của cảnh sát và các cơ quan tư pháp Mỹ trong vụ Strauss-Kahn là rõ ràng, minh bạch và không gây bối rối cho các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Trong khi đó, Trung Quốc đến nay không cung cấp bất cứ thông tin nào về tình trạng pháp lý, sức khỏe hay cơ hội được luật sư bảo vệ của Mạnh Hoành Vĩ, ngoài một đơn xin từ chức "ngay lập tức" được gửi tới Interpol mà cơ quan này không có cách nào xác minh được tính xác thực và tự nguyện của nó.
Sự thiếu minh bạch trong cách xử lý vụ Mạnh Hoành Vĩ của Trung Quốc khiến giới phân tích dự đoán rằng ông Mạnh nhiều khả năng đang bị giam giữ theo hình thức "lưu trí", biện pháp quản chế vừa được đưa ra trong Luật Giám sát của Trung Quốc và không tồn tại ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
"Lưu trí là một hệ thống rất mới, nơi người bị giữ nhiều khả năng sẽ phải chịu nhiều áp lực về tinh thần và thể xác để buộc phải thừa nhận các hành vi của mình", Michael Caster, chuyên gia về nhân quyền tại tổ chức Safeguard Defenders nói với Guardian.
NSC có thể giam giữ để điều tra những quan chức, đảng viên bị tình nghi tham nhũng theo hình thức lưu trí tới ba tháng và gia hạn thêm ba tháng nữa mà không cần phải ra lệnh khởi tố, bắt người và cũng không bắt buộc phải thông báo cho người thân. Trong thời gian lưu trí, người bị điều tra không bị coi là tội phạm, nhưng không được phép liên lạc với gia đình, quyền tiếp cận luật sư của họ cũng phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các điều tra viên NSC.
Sophie Richardson, người đứng đầu chi nhánh Trung Quốc của tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho rằng các lãnh đạo Bắc Kinh dường như lo ngại Mạnh Hoành Vĩ đang nắm giữ những thông tin nhạy cảm, buộc họ phải có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp đối với ông này, dù biết rõ hành động đó đi ngược lại thông lệ quốc tế.
Abigail Grace, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), thì cho rằng vụ bắt Mạnh Hoành Vĩ cho thấy Bắc Kinh coi hoạt động chống tham nhũng trong nước là ưu tiên cao hơn rất nhiều so với sức ép mà cộng đồng quốc tế có thể gây ra. "Rõ ràng họ muốn giữ kín vụ này càng lâu càng tốt", Grace bình luận về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong quyết định điều tra ông Mạnh. "Họ coi đây là một vấn đề nội bộ, không liên quan đến quốc tế".
Dù vậy, tính quốc tế trong vụ này là không thể tránh khỏi, khi nó thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu, sau một loạt hành động phớt lờ luật pháp và thông lệ quốc tế gần đây của Trung Quốc. Bắc Kinh từng tuyên bố không chấp nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực thuộc Liên Hợp Quốc và gần đây nhất gây căng thẳng khi điều tàu chiến chạy cắt mặt, suýt gây ra va chạm với tàu khu trục Mỹ tuần tra tự do hàng hải theo luật quốc tế ở Trường Sa.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá rằng phản ứng của Interpol sau vụ Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra là quá yếu ớt. Tổ chức này ban đầu yêu cầu Trung Quốc làm rõ tình trạng của ông Mạnh, nhưng sau đó nhanh chóng chấp nhận lá đơn từ chức được gửi đi từ Trung Quốc và chỉ định quyền chủ tịch mới. Interpol không đưa ra bất cứ chất vấn nào với Bắc Kinh về tình trạng pháp lý của ông Mạnh, cũng không đề cập đến những cáo buộc chống lại ông này.
"Phản ứng này của Interpol có thể khiến Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn trong việc thực thi các biện pháp quyết liệt để bảo vệ lợi ích của mình, dù chúng có thể thiếu minh bạch và đi ngược lại các thông lệ quốc tế", Grace nói.
Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)