Tướng Nga đe dọa sự tồn tại của NATO
Ông Apti Alaudinov, vị tướng hàng đầu của Nga chỉ huy lực lượng Chechnya chiến đấu ở Ukraine, vừa được Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm làm Cục phó Tổng cục Chính trị và Quân sự, tuyên bố NATO sẽ không còn tồn tại theo hình thức hiện nay vào năm 2030.
Nhận xét này được ông Alaudinov phát biểu trên kênh Russia- 1 ngày 24/4.
"Nga sẽ giành chiến thắng trong hoạt động quân sự đặc biệt này và trên tất cả các chiến trường khác", tướng Alaudinov nói.
"Đúng, chúng tôi sẽ cố gắng cho đến năm 2029-2030, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng kết quả của hoạt động quân sự đặc biệt này chính là khối NATO sẽ không còn tồn tại theo hình thức như hiện nay," ông nói, nhấn mạnh hầu hết các quốc gia đang theo sự dẫn dắt của Mỹ sẽ "tuyên thệ trung thành với Nga, đề nghị được gia nhập liên minh của chúng tôi".
Tuyên bố này được tướng Alaudinov đưa ra trong bối cảnh NATO tổ chức tiến hành tập trận sát biên giới Nga cũng như việc Ba Lan bày tỏ thái độ cởi mở chấp thuận triển khai vũ khí hạt nhân của các đồng minh trên lãnh thổ.
Nga cảnh cáo Ba Lan
Ngày 25/4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết ông và Thủ tướng Donald Tusk sẽ có cuộc đàm phán vào ngày 1/5 về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân từ các nước NATO.
Ông Duda nhấn mạnh, Ba Lan - thành viên NATO - sẽ sẵn sàng cho một khả năng như vậy.
Trước động thái này, hãng thông tấn RIA Novosti cùng ngày dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định những cuộc thảo luận như trên đều mang tính khiêu khích.
"Nếu họ đi theo con đường leo thang hơn nữa... với vũ khí hạt nhân thì một đợt căng thẳng tiếp theo sẽ xảy ra. Nói chung, trò chơi này rất nguy hiểm, hậu quả của nó là có thể khó dự đoán", quan chức Nga cảnh báo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho biết, bất kỳ tên lửa hạt nhân nào của Mỹ ở Ba Lan đều có thể trở thành mục tiêu trong trường hợp xảy ra đối đầu Nga-NATO.
"Nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan, các hạ tầng liên quan sẽ ngay lập tức nằm trong danh sách các mục tiêu hợp pháp bị tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với NATO", bà Zakharova tuyên bố.
Theo Reuters, cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây đến đỉnh điểm nguy hiểm kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ và Liên Xô tiến gần đến một cuộc đối đầu hạt nhân.
Nga năm ngoái cho biết đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, giáp biên giới Ba Lan, như một tín hiệu răn đe đối với phương Tây.
Dù vậy, Tổng thống Putin hồi tháng 3 vừa qua khẳng định Nga sẽ không tấn công quốc gia NATO nhưng cảnh báo Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự "toàn vẹn lãnh thổ".
Theo An An (Nguoiduatin.vn)