Như đã biết, trong thập niên 1990, Trung Quốc mua về một số lượng rất lớn tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27SK và cả phiên bản hai chỗ ngồi Su-27UBK do Tập đoàn Sukhoi của Nga sản xuất, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Liên Xô có trong biên chế dòng chiến đấu cơ tối tân này.
Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn mua giấy phép để lắp ráp tại chỗ phiên bản Su-27SK dưới tên định danh J-11A. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn tuân thủ các điều khoản quy định, Bắc Kinh đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do dòng Flanker của Nga không còn đáp ứng được yêu cầu kỹ chiến thuật của họ nữa.
Dựa trên nguyên mẫu Su-27SK và J-11A, các kỹ sư hàng không Trung Quốc đã phát triển thành công biến thể J-11B với khá nhiều thay đổi, thậm chí nó còn được công nhận là một nhánh trong gia đình tiêm kích Flanker, chứ không còn đơn thuần là sản phẩm sao chép nữa.
Theo số liệu của báo chí Trung Quốc thì hiện nay số lượng J-11B đã lên tới trên 200 chiếc, trong tương lai quy mô lực lượng không quân nước này còn được mở rộng với khoảng 300 - 400 máy bay J-16 gia nhập biên chế.
Năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc rõ ràng là rất đáng nể, tuy nhiên gần đây đã nổi lên luồng ý kiến cho rằng giới quân sự đã quá lãng phí khi lên kế hoạch cho nghỉ hưu tới 100 chiếc J-11A cùng 48 Su-27SK mà không tiến hành nâng cấp giữa vòng đời cho chúng, nhất là khi đơn giá sản xuất J-11B lên tới 40 triệu USD.
Như để giải đáp mối quan ngại trên, trang Sina đã đưa ra một vài luận điểm rất đáng chú ý.
Trước hết liên quan đến tuổi khung của máy bay, các tiêm kích Su-27 và cả J-11A được chế tạo với công nghệ cũ khiến thời hạn sử dụng chỉ được 2.000 giờ bay hay tương đương với 100 giờ hoạt động mỗi năm.
Không quân Trung Quốc gần đây đã tăng cường độ huấn luyện cho phi công, mỗi "thợ lái" của họ được bay tới 300 giờ mỗi năm, tức là ngang bằng với Không quân Mỹ hay các cường quốc quân sự châu Âu. Nếu tiếp tục cường độ trên thì các chiến đấu cơ Su-27 và J-11A có nâng cấp cũng chỉ chịu được 6 - 8 năm là hết hạn.
Trung Quốc khoe rằng nhờ áp dụng những thành tựu mới nhất, tiêm kích do nước này sản xuất đã vượt qua con số 4.000 giờ bay, mặc dù chỉ bằng một nửa nếu đặt cạnh F-15/16 nhưng đã gấp đôi chiến đấu cơ thế hệ cũ của Nga, đáp ứng yêu cầu về độ an toàn cho phi công luyện tập.
Thêm vào đó, động cơ AL-31F lắp cho Su-27 và J-11A có tuổi khai thác chỉ là 1.000 giờ, chi phí duy trì hoạt động tương đối cao, trong khi hiện nay Trung Quốc đã chế tạo được động cơ dành riêng cho tiêm kích nội địa, vì vậy sẽ là không kinh tế nếu mua tiếp động cơ AL-31F từ Nga về để kéo dài thời hạn phục vụ.
Cuối cùng, công nghệ điện tử hàng không của Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc trong những năm qua. Các máy bay sản xuất mới được lắp radar mảng pha quét chủ động (AESA) nội địa với năng lực áp đảo loại N001 lạc hậu của Su-27, trong khi hai loại radar này lại không hoán đổi được cho nhau, sẽ là hợp lý hơn nếu đầu tư hoàn toàn vào một dòng tiêm kích mới.
Những giải thích trên xem chừng có vẻ rất hợp lý, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng các con số "đẹp như mơ" vẫn thường được Quân đội Trung Quốc cung cấp cho báo giới.
Theo Sao Đỏ (Soha/Trí Thức Trẻ)