Trương Lâm, sinh năm 1995 ở vùng nông thôn Bạch Thủy của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), một nơi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn thấm nhuần trong đầu óc của người dân nghèo khổ.
Từ nhỏ, Trương Lâm đã phải làm việc giúp đỡ gia đình. Cô buộc nghỉ học để về nhà cắt rau cho heo ăn vì cha mẹ cô cho rằng con gái học hành cũng không được gì, sau này cũng phải gả đi cho người khác.
Trong nhà Trương Lâm còn một người anh trai, thế là mọi tình thương và quyền lợi đều dành cho người anh này. Cô phải sống trong cảnh thiệt thòi đến cùng cực, ngay cả miếng ăn cũng chỉ được ăn đồ thừa của anh trai.
Đến năm 2015, Trương Lâm bị bố mẹ gả đi cho một người đàn ông lớn hơn 10 tuổi để đổi lại sính lễ 6000 tệ (hơn 21 triệu đồng). Sau khi kết hôn không bao lâu, Trương Lâm đã mang thai và sinh con.
Những tưởng sẽ được một cuộc sống tốt hơn nhưng cô lại bị mẹ chồng bắt đi làm ruộng trong khi thân thể chưa kịp hồi phục sau sinh. Con trai ngày một lớn hơn, Trương Lâm phải đi làm thuê ở công trường, một ngày chỉ kiếm được 30 tệ (hơn 100 nghìn đồng) nhưng cũng bị mẹ chồng lấy mất.
Không những thế, Trương Lâm lại lâm vào cảnh bạo lực gia đình, bị chồng hành hạ đến mức chỉ có thể nằm thoi thóp trên giường suốt nửa tháng. Ban đầu, cô còn trở về nhà mẹ đẻ để nhờ giúp đỡ nhưng thói đời bạc bẽo đã khiến cho Trương Lâm tuyệt vọng đến mất hết niềm tin trong cuộc sống.
Thất vọng về gia đình đến cùng cực, Trương Lâm quyết định trốn khỏi cái nơi tàn bạo này để cao chạy xa bay, đến một nơi không ai biết đến và làm lại cuộc đời. Ngày hôm đó, nhân lúc chồng và mẹ chồng không ở nhà, cô đã trốn chạy và chỉ đem theo vài bộ quần áo để làm hành trang lên đường.
Cô chạy đến một nơi rất xa trong thị trấn và làm công một tháng cho tiệm ăn ven đường. Trương Lâm quyết định dùng tiền công 600 tệ (hơn 2 triệu đồng) ít ỏi kia để một mình đến Hàng Châu.
Nhưng trớ trêu thay, cuộc đời bất hạnh lại một lần nữa quật ngã Trương Lâm. Cô bị trộm mất số tiền dành dụm và cả chiếc giày tháo rời khỏi chân cũng bị cuỗm đi mất.
Bước xuống trạm tàu Hàng Châu với đôi chân trần, Trương Lâm nhìn vào dòng người với ánh mắt vô định, không biết đi đâu về đâu. Suốt 4 ngày liền, cô vẫn chưa tìm được một công việc tạm bợ để bươn chải cho những ngày khó khăn sắp tới.
Bị đói đến hoa mắt lả người, Trương Lâm đành phải mặt dày chạy đến một tiệm ăn vắng khách để xin bà chủ rủ lòng thương cho tô mì. Có lẽ xuất phát từ sự đồng cảm giữa những người phụ nữ với nhau, bà chủ tiệm mì đã nhận Trương Lâm ở lại làm công 3 tháng.
Ba tháng sau, Trương Lâm lại làm đủ thứ công việc khác: Thợ rửa xe, công nhân bốc vác, công nhân trong nhà máy điện tử,… Trong thời gian đó, cô cũng lén trở về quê để làm lại chứng minh nhân dân mà gia đình không ai hay biết.
Lăn lộn trong tầng lớp xã hội thấp kém, Trương Lâm không cam tâm cuộc đời mình sẽ trải qua vô vị như vậy. Cô đã quyết định nghỉ hết công việc hiện tại và nộp đơn thi bằng lái xe. Sau hơn hai tháng rưỡi học tập, Trương Lâm đã chính thức nhận bằng và trở thành nữ tài xế xe tải.
Là một cô gái với dáng người thấp bé chỉ với 1m58, Trương Lâm bị từ chối bởi rất nhiều công ty vận tải vì họ cho rằng cô không phù hợp với tính chất ngành nghề và thậm chí còn có người hoài nghi tấm bằng lái xe kia là do cô mua được.
Với lòng quyết tâm và thành tâm khẩn cầu, Trương Lâm cuối cùng cũng được nhận vào một công ty vận chuyển.
Kể từ đó, Trương Lâm bắt đầu với cuộc sống "nữ tài xế xe tải" của mình. Cô lái xe đường dài, băng đường thâu đêm suốt sáng, làm quen với cái khổ, có đói cũng phải chịu đựng cho đến khi xe đến trạm trung chuyển, buồn ngủ cũng ráng ngậm ớt cay để giữ sự tỉnh táo, nằm ngủ trong buồng lái chứ không hề thuê nhà nghỉ, tắm rửa giặt giũ cũng giải quyết ở nhà vệ sinh công cộng.
Dần dần, Trương Lâm đã tạo nên được tên tuổi trong giới tài xế lái xe và tìm được tình yêu cho riêng mình. Cô và một tài xế nam tên Trần Huân đã đem lòng yêu thương nhau và quyết định kết hôn chỉ sau vài tháng tìm hiểu.
Ngày tổ chức hôn lễ đã diễn ra một cảnh tượng chưa từng có: Mười chiếc xe tải to lớn nối đuôi nhau thành đoàn đón rước cô dâu chú rể. Trương Lâm mặc trên mình bộ váy cưới trắng xinh đẹp, miệng nở nụ cười tươi sáng, rạng rỡ và tràn đầy hạnh phúc.
Sau khi kết hôn, điều kiện cuộc sống đã ổn định hơn. Trương Lâm đã mang sự tự tin cùng chồng của mình trở về thăm gia đình ở quê hương. Đây có lẽ không phải vì cô đã tha thứ cho gia đình của mình, mà là cô đã đủ mạnh mẽ để bỏ qua tất cả, bỏ qua hết lòng thù hận để lựa chọn làm hòa với bố mẹ.
Tưởng rằng đây là cái kết viên mãn của đời mình, nhưng mọi thứ không như là mơ, cuộc sống hôn nhân mà cô ngỡ là hạnh phúc mãi mãi gặp sóng gió. Trương Lâm và Trần Huân đã nảy sinh sự khác biệt rất lớn trong suy nghĩ và quan điểm sống.
Trần Huân là một người đàn ông truyền thống điển hình. Với bản tính gia trưởng vốn có, anh luôn bắt vợ phải làm theo ý mình. Nhưng Trương Lâm lại là phụ nữ độc lập, không thích trói buộc. Thế là hai người đã nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng.
Mâu thuẫn lên đỉnh điểm khi mọi chuyện liên quan đến đứa con trai của Trương Lâm. Là một người mẹ, cô không ngừng nhớ nhung đến con trai và muốn đền bù lại những gì mà cô đã thiếu sót. Thế nhưng Trần Huân không muốn vợ quá dính líu với con trai cũ và thậm chí còn lên tiếng chỉ trích khi cô mua cho con trai chiếc xe đạp chỉ có 200 tệ (hơn 700 nghìn đồng).
Vì mâu thuẫn chồng chất nên Trương Lâm và Trần Huân chính thức ly hôn. Trải qua liên tiếp biết bao sóng gió, Trương Lâm không hề oán trách cuộc đời mà chỉ nhận thức được một điều: Phụ nữ nhất định phải độc lập kinh tế.
Trương Lâm đã phấn đấu không ngừng nghỉ cho cuộc đời mình. Cô đã từng rời xa quê hương, làm đủ thứ công việc để duy trì cuộc sống, đã trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, đã dũng cảm phá bỏ định kiến để giành lại vận mệnh cho đời mình. Đến nay, Trương Lâm đặt lại mục tiêu kế tiếp: Tự mua xe, mua nhà và hướng tới những tháng ngày tươi sáng hơn.
Câu chuyện cuộc đời đầy nghị lực của Trương Lâm đã được Kha Văn Tư – Một đạo diễn từng đoạt giải Oscar chú ý đến và dựng thành phim mang tên "Drive Like A Girl" với nhân nhân vật nữ chính tên là "Lâm Bảo".
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)