Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên được tòa án thụ lý từ tháng 11/2015, với nguyên đơn là bà Diệp Thảo. Và 1 trong những diễn biến đáng chú ý nhất trong phiên tòa đang diễn ra chính là việc bà Thảo, cuối phiên xét xử hôm 21/2 đã đồng ý rút đơn xin ly hôn ngay tại tòa. Tuy nhiên, ông Nguyên Vũ không chấp thuận và tiếp tục yêu cầu tòa xử cho ông được ly hôn, trở thành nguyên đơn trong vụ án ly hôn.
Trong dòng chảy của xã hội dương đại, ly hôn gần như là một phần quá quen thuộc. Nhưng việc một phụ nữ ĐƯỢC QUYỀN đâm đơn xin ly hôn với chồng của mình, từng là điều không hề tồn tại trong pháp luật của bất kì nhà nước tiên tiến nào cho tới tận đầu thế kỉ 19. Sự bình đẳng trong việc được quyền ly hôn, chỉ thực sự xuất hiện sau phiên tòa kinh điển tại Anh năm 1801.
Chị em Jessy và Jane Campbell là 2 trong tổng cộng 12 người con của Hiệp sĩ Sir James Campbell (1737-1805), một trong những gia tộc giàu có và quyền lực tại Anh thời điểm đó. Ông nội của Jessy và Jane là Hiệp sĩ Archibald Campbell (1739-1791), một thiếu tướng của vương quốc Anh, từng giữ chức Tổng tư lệnh vùng Madras.
Thời điểm Archibald qua đời, năm 1791, hai cháu gái của ông, Jessy và Jane đã lập gia đình. Jane kết hôn với Edward Addison, một thương gia có tiếng London, năm 1788. Họ sống cùng nhau tại biệt thự rộng lớn của gia tộc Campbell, trên đường Surrey Street (Strand và Blackheath), và có một con trai và một con gái.
Chị của Jane, Jessy trước đó vào năm 1785 đã thành thân với một người anh họ trong gia tộc Campbell, cũng có tên James Campbell hệt như cha cô. James là Bác sĩ Phẫu thuật, tiến sĩ Vật lý học. Họ ban đầu sống ở Calcutta, Ấn Độ, có với nhau 4 người con trước khi trở lại Anh, sống cùng tại biệt thự với gia đình em gái Jane.
Năm 1800, James Campbell đã đệ đơn lên Nghị viện về việc ly hôn với vợ mình, Jessy. Lý do ly hôn là Jessy đã ngoại tình. “Đối tác” của Jessy, đáng nói lại chính là Edward Addison, chồng của Jane – em gái Jessy.
Vào thời điểm đó, lý do duy nhất để tòa xét xử và chấp thuận cho đơn xin ly hôn là ngoại tìnhtừ phía người vợ. Một người phụ nữ ngoại tình với chồng, bị coi là tội lỗi không thể tha thứ, gây ô uế dòng tộc gia đình bên chồng. James dĩ nhiên được tòa xử cho ly hôn gần như ngay lập tức.
Tuy nhiên, đến khi Jane – em gái của Jessy cố gắng đâm đơn ly dị người chồng ngoại tình của mình Edward thì vấn đề lại trở nên nan giải, khiến vụ ly hôn của Jane trở thành một cuộc chiến pháp lý kéo dài với rất nhiều tranh cãi.
Trước vụ của Jane, chưa từng có tiền lệ một người phụ nữ Anh được xử cho ly hôn với lý do là chồng ngoại tình. Chuyện một người đàn ông ngoại tình, quan hệ với những phụ nữ khác ngoài vợ mình, không “được” coi là vấn đề lớn trong xã hội thời đó.
Trong nỗ lực của mình, Jane đã có được sự ủng hộ từ một nhân chứng quan trọng – người hầu gái lâu năm tại gia tộc Campbell có tên Mariana. Mariana đã làm chứng trước tòa rằng, cô nhiều lần chứng kiến Edward trong trạng thái trần như nhộng, trong phòng và trước cửa phòng của Jessy.
Nhân chứng, vật chứng rõ ràng, việc ngoại tình của Edward được chứng minh. Và vào tháng 6/1801, hơn một năm sau khi đệ đơn xin ly hôn, Jane chính thức “thoát khỏi” người chồng không chung thủy.
Vụ ly hôn “kinh điển” kết thúc với việc Jane được tự do nhưng quan trọng hơn nó buộc Luật Pháp Anh nói riêng và Thế giới nói chung, phải hướng tới sự thay đổi toàn diện, tạo ra sự bình đẳng nam-nữ cho những đối tượng nguyên đơn ly hôn.
THANH XUÂN (SHTT)