Màn đối đáp về tiền, con cái giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ
Bước vào phần tranh luận chiều 21/2, các luật sư của bên bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều trình bày những quan điểm, luận cứ rất dài để bảo vệ quyền lợi cho 2 bên.
Vợ chồng ông chủ Trung Nguyên đấu khẩu tại tòa |
Thông "điểm nghẽn", mọi việc sẽ tốt
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ, nhấn mạnh trong lịch sử xét xử vụ kiện hôn nhân gia đình thì đây là vụ thu hút sự quan tâm của dư luận, một trong số lý do được quan tâm vì nhân vật mệnh danh là “vua cà phê Việt".
Luật sư Tâm cho rằng trong vụ này phải đọc cho được bản chất mâu thuẫn dẫn đến việc vợ chồng không thể hàn gắn với nhau là thế nào? "Ông Vũ luôn nói điểm nghẽn nhưng chưa có cơ hội nói rõ điểm nghẽn ấy là gì. Vấn đề khai thông điểm nghẽn ấy mọi việc sẽ tốt", luật sư Tâm nói.
Người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn chỉ ra một bên là người muốn hoàn thành sứ mệnh đưa Trung Nguyên ra toàn cầu. Trong trường hợp này, lẽ ra bà Thảo phải đồng thuận với chồng, điều mà bà đã làm được trong 20 năm. Tuy nhiên, luật sư cho rằng mấy năm nay mâu thuẫn nảy sinh, bà Thảo không đồng ý với khát vọng của chồng nên trở thành "điểm nghẽn".
Luật sư Tâm cũng chia sẻ ông cùng với luật sư Phan Trung Hoài của phía nguyên đơn, bàn với nhau làm cách nào để hai bên có thể thông được 'điểm nghẽn" ấy.
"Giá như điểm nghẽn có điều kiện, cơ hội để họ giải quyết với nhau để trở về là người phụ giúp chồng, đồng dựng với chồng, tôn trọng mọi khát vọng của chồng thì điểm nghẽn đó được thông...Nhưng điểm nghẽn đó vẫn còn trước mắt chúng ta và tôi nghĩ rằng bản án của HĐXX phải giải quyết cho được. Nếu họ không quay về với nhau thì bây giờ thông điểm nghẽn ấy bằng cách tôn trọng quyết định của họ, cho họ đồng ý ly hôn, chia tài sản làm sao để không còn điểm nghẽn khi không còn quan hệ vợ chồng nữa", luật sư Tâm thể hiện mong muốn giải quyết chuyện ly hôn tốt đẹp để ông Vũ thực hiện khát vọng với Trung Nguyên.
"Bà Thảo không trở về làm nội trợ thì có xấu không?"
Là người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa trình bày mấy năm qua nguyên đơn bị vô hiệu hóa, không được động vào hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên. Bà liên tục phải đối mặt với nhiều vụ kiện mà chính ông Vũ chỉ đạo tập đoàn đứng ra kiện "trong khi nuôi 4 đứa con, bà Thảo rất vất vả đi hầu tòa".
Việc đề nghị được chia 51% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, luật sư cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với luật. Với tỷ lệ này thì Trung Nguyên không thể vô hiệu hóa bà Thảo, với tư cách đồng chủ sở hữu thì sẽ có quyền đưa ra phương thức phát triển cho Trung Nguyên.
Luật sư Nghĩa nêu quan điểm người không có tiền thì có thể góp công sức. Trong khi có chứng cứ chứng minh bà Thảo có chuyển tiền góp vốn khi ông Vũ thất bại. "Chính vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi vị chủ tọa gợi ý bà Thảo xin lỗi gia đình đi, giao toàn bộ cổ phần đi,...Ông Vũ bảo bà Thảo phải sám hối", luật sư Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng lời khuyên này trái với luật pháp Việt Nam về hôn nhân gia đình.
"Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một nạn nhân bị đối xử cấm không cho vào công ty mấy năm nay là sám hối đi, đi về nấu cơm nấu nước chăm lo cho chồng? Lời khuyên không phù hợp. Ở đây có những người là phụ nữ, thử hỏi lời khuyên này có hợp với pháp lý và đạo lý hay không?", luật sư bảo vệ cho bà Thảo gay gắt.
Luật sư trình bày tài sản hình thành trong hôn nhân là tài sản chung hợp chất của hai vợ chồng. Ngay cả khi người vợ ở nhà nội trợ cho người chồng kinh doanh thì tài sản chia đôi. Trong khi bà Thảo đóng góp rất nhiều", ông Nghĩa nói.
Luật sư cho rằng bà Thảo lấy tiền riêng thành lập công ty, bà Thảo là doanh nhân, nên việc bà không trở về làm người nội trợ trong nhà được xã hội bảo hộ, khuyến khích, ca ngợi.
"Bà Thảo không về trở về làm người nội trợ trong khi vẫn hoàn thành thiên chức lo 4 đứa con. Điều này có xấu không?", vị luật sư đặt câu hỏi và nói thêm, có 2 cách ly hôn, một là khi ly hôn không quan tâm đến nhau; cách thứ hai là vì con vì cháu, không còn tình cũng còn nghĩa, quan tâm đến nhau.
"Đề nghị ông Vũ và bà Thảo cùng nhau chăm sóc cho con. Nếu nói sám hối, sau ly hôn rồi sẽ tổn hại cho các con kể cả xử lý vấn đề tài sản", luật sư Nghĩa phát biểu tranh luận.
Nếu chia tay thì "đứa con tinh thần" phải sống
Luật sư Trương Thị Hòa mở đầu phần trình bày quan điềm bằng việc nhận định suốt 55 năm làm nghề, đây là phiên ly hôn được sự quan tâm từ rất nhiều người. Do đó bản án của HĐXX theo luật sư sẽ có trách nhiệm nặng nề vì được nhiều người quan tâm. Nhưng với vụ kiện này thì "ai cũng mong muốn kết thúc cho xong để không còn mâu thuẫn kéo dài các bên để ổn định cuộc sống".
Luật sư Hòa cho rằng việc nguyên đơn nói ông Vũ có lỗi nhưng lại không chứng minh, không có cơ sở nào cho thấy ông Vũ là người gây ra lỗi dẫn đến việc ly hôn. Trong số 5 lý do bà Thảo đưa ra, người bảo vệ pháp lý cho ông Vũ liệt kê lại có việc phát sinh mâu thuẫn trong tư tưởng, cách nhìn cuộc sống đời sống vợ chồng, trong cách điều hành công ty và nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, luật sư cho biết ban đầu ông Vũ không hề có ý định ly hôn, mẹ ông Vũ cũng tha thiết tạo điều kiện cho con trai và con dâu có cơ hội hàn gắn. Luật sư mong tòa xem xét nỗi đau của ông Vũ và mong các luật sư đồng nghiệp chia sẻ để từ những tranh luận trong phiên tòa này không làm rạn nứt thêm mà làm gắn bó thêm cho 2 bên.
Luật sư của ông Vũ trình bày, có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Nhưng để trở thành ngôi sao sáng thì khó khăn vô cùng nếu không có niềm tin.
"Sự sống còn của thương hiệu, phát triển của những doanh nghiệp thì người nuôi dưỡng rất quan trọng. Mong những gì bà xây dựng ngày càng phát triển để chứng tỏ tài năng và kinh nghiệm kinh doanh", luật sư Hòa nhắn gửi đến bà Thảo và bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét để cho ra bản án khả thi, hiệu quả và có sức lan tỏa; và để thấy rằng "các doanh nghiệp khi góp vốn khi chia tay thì cố gắng đừng chia tay thì tốt hơn, nếu chia tay cố gắng làm sao để "đứa con tinh thần" là doanh nghiệp phải sống".
Luật sư Hòa cũng chia sẻ nguyện vọng của ông Vũ là trong bản án phải thể hiện đầy đủ để thấy rằng tình yêu thương của cha mẹ.
"Trong vụ án này người cha không bao giờ cân đo đong đếm, tất cả cho các con. Mong HĐXX ghi nhận trong bản án để sau này bản án kết tình thương yêu của cha mẹ. Ông Vũ tha thiết nuôi con nhưng tôn trọng ý kiến của các con. Do các con ý kiến muốn ở với mẹ nên ông tôn trọng điều đó", luật sư Hòa nhắn gửi.
"7:3 là tỷ lệ vô chừng"
Luật sư Phan Trung Hoài, người bảo vệ cho bà Thảo, chỉ ra hai bên đến với nhau bằng tình yêu, sau đó kết hôn rồi sinh ra 4 đứa con. Nhưng từ việc ông Vũ không quan tâm cho gia đình, có những biểu hiện không minh mẫn, dẫn tới mâu thuẫn hai bên kéo dài không thể níu kéo.
Luật sư Hoài cho rằng thân chủ của mình đóng góp rất nhiều cho Trung Nguyên nhưng hành trình, tầm nhìn và bước đi của tập đoàn này hầu như không có bóng dáng của người vợ này. Ông Phan Trung Hoài hy vọng bản án cần phải chỉ ra nguyên nhân thực tế dẫn đến hôn nhân không hạnh phúc, thỏa thuận cũng đã không đạt được.
Về phần liên quan cấp dưỡng, luật sư Hoài cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa hai bên khi đánh giá sự tạo lập khối tài sản chung của hai vợ chồng.
“Phải lấy mốc thời điểm tạo lập khối tài sản chung của hai vợ chồng từ khi nào. Quá trình này không đơn giản chỉ hướng đến công sức, giá trị của thương hiệu… Một người phụ nữ làm nội trợ cũng tương xứng công sức của người chồng đang ra chiến trường, thương trường gây dựng. Đó là sự đánh giá ngang bằng, không thể chênh lệch”, luật sư Hoài nhấn mạnh về việc phân chia tỷ lệ tài sản.
Về tỷ lệ 7:3 như đề nghị của phía ông Vũ, luật sư Hoài cho rằng điều này không có căn cứ, không bình đẳng, vô chừng. Tỷ lệ phân chia tài sản được đưa ra phải hàm chứa tính nhân văn.
Theo luật sư, nguyên tắc vận dụng khi tranh chấp tài sản ly hôn là phải xét hoàn cảnh gia đình, điểm xuất phát tạo lập tài sản chung của vợ chồng. Toàn bộ quá trình tạo lập các công ty, luật sư cho rằng tất cả đều có sau thời điểm hai vợ chồng ông Vũ kết hôn.
HĐXX thông báo phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc vào chiều 25/2.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)