TT Putin cảnh báo triển khai tên lửa có tầm bắn tới đồng minh Mỹ nếu Washington thực hiện kế hoạch 10/7

28/07/2024 20:35:56

Theo ông Putin, nước Mỹ đang có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Chiến tranh Lạnh với động thái mà nước này đưa ra hôm 10/7.

Cảnh báo của Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/7 đã cảnh báo rằng, nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở Đức thì Nga sẽ đặt tên lửa tương tự có tầm bắn tới phương Tây.

Trước đó, ngày 10/7, Mỹ đã tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức từ năm 2026 để chuẩn bị cho quá trình triển khai dài hạn hơn với nhiều loại tên lửa bao gồm SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh mà nước này đang phát triển.

Trong một bài phát biểu trước các thủy thủ đến từ Nga, Trung Quốc, Algeria và Ấn Độ để kỷ niệm ngày hải quân Nga tại St. Petersburg, ông Putin nhấn mạnh rằng, nước Mỹ đang có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Chiến tranh Lạnh với động thái kể trên.

"Thời gian bay đến các mục tiêu trên lãnh thổ chúng tôi của những tên lửa như thế, những loại tên lửa có thể trong tương lai sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân, là khoảng 10 phút", ông Putin tuyên bố, "Căn cứ vào hành động của Mỹ, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp tương tự tại các vệ tinh của nước này ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới".

TT Putin cảnh báo triển khai tên lửa có tầm bắn tới đồng minh Mỹ nếu Washington thực hiện kế hoạch 10/7
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin

"Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ coi như mình không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm đơn phương trước đó từng áp dụng đối với việc triển khai vũ khí có năng lực tấn công tầm trung và tầm ngắn", ông Putin nói.

Tổng thống Nga cho biết thêm rằng, giờ đây ở Nga "quá trình phát triển một số hệ thống như vậy đang ở giai đoạn cuối".

Những tên lửa nói trên, với tầm bắn từ 500-5.500km, đã từng bị cấm theo hiệp ước kiểm soát vũ khí do Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987. Tuy nhiên, cả Washington và Moscow đều rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung vào năm 2019. Đôi bên cáo buộc đối phương vi phạm.

Nga sau đó cho biết sẽ không khởi động lại việc sản xuất loại tên lửa như vậy miễn là Mỹ không triển khai tên lửa ở nước ngoài.

Khủng hoảng giống thời Chiến tranh Lạnh?

Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ thừa nhận mối quan hệ ngoại giao của họ đang ở trạng thái tồi tệ hơn, thậm chí khi so sánh với giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Moscow và Washington đã kêu gọi giảm căng thẳng trong khi cả hai đều có những bước đi hướng tới leo thang.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Mỹ đang kích động căng thẳng và nước này đã chuyển giao các hệ thống tên lửa Typhon đến Đan Mạch, cũng như Philippines. Ông Putin đã so sánh kế hoạch của Mỹ với quyết định của NATO khi triển khai bệ phóng Pershing II ở Tây Âu hồi 1979.

Giới lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ, bao gồm Tổng Bí thư Yuri Andropov, lo ngại rằng việc triển khai Pershing II là một phần của kế hoạch tinh vi do Mỹ dẫn đầu để tiêu diệt Liên Xô bằng cách loại bỏ vị thế lãnh đạo chính trị và quân sự của họ.

"Tình hình này gợi nhớ về các sự kiện của Chiến tranh Lạnh liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ ở Châu Âu", ông Putin nói.

Tổ hợp Pershing II đã được triển khai ở Tây Đức vào năm 1983. Lúc đó, Andropov và cơ quan tình báo Liên Xô KGB đã lý giải một loạt hành động của Mỹ bao gồm việc triển khai Pershing II và một cuộc tập trận lớn của NATO là dấu hiệu cho thấy phương Tây sắp tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Liên Xô.

Pershing II sau đó bị đóng băng theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí INF.

Tên lửa của Mỹ tiếp tục được đặt ở Đức trong suốt quá trình thống nhất nước này và kéo dài tới những năm 1990. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã giảm đáng kể số lượng tên lửa đặt ở châu Âu khi cảm thấy mối đe dọa từ Moscow lùi xa. 

Theo Thi Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật