Sắc lệnh của ông Putin
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 11/7 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh chuyển tài sản của Silgan Holdings – nhà sản xuất bao bì kim loại hàng đầu châu Âu – sang quyền quản lý tạm thời của Cơ quan Quản lý Tài sản Nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo).
Silgan Holdings Inc. là tập đoàn của Mỹ, có trụ sở chính tại bang Connecticut, sau đó mở rộng sự hiện diện tại châu Âu thông qua việc mua lại một công ty có trụ sở tại Áo và thành lập Silgan Holdings Austria.
Hãng tin RBC cho biết, tại Nga, Silgan Holdings Austria có 2 công ty con, bao gồm Silgan Metal Packaging Stupino và Silgan Metal Packaging Enem. Giờ đây, 100% cổ phần của 2 công ty này sẽ được chuyển cho Rosimushchestvo quản lý.
Sắc lệnh của ông Putin sẽ có hiệu lực ngay lập tức kể từ thời điểm được công bố ngày 11/7. Tờ VK nhận định, động thái này sẽ khiến Silgan Holdings Inc. mất quyền kiểm soát và lợi nhuận từ các công ty con, gây thiệt hại tài chính trực tiếp.
Theo tờ Pravda, kể từ tháng 4 năm ngoái, ông Putin đã bắt đầu ký sắc lệnh trả đũa các quốc gia "không thân thiện" bằng cách áp dụng chính sách quản lý tạm thời đối với tài sản của những nước này trên lãnh thổ Nga.
Sắc lệnh tịch thu tài sản của Silgan Holdings được xem là đòn giáng mới nhất của Nga nhằm vào Mỹ và đồng minh trong bối cảnh phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Đáng lưu ý, sắc lệnh được công bố chỉ 1 ngày sau khi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 10/7, chính phủ Mỹ công bố kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa tại Đức nhằm tăng cường sức mạnh cho NATO và đảm bảo phòng thủ châu Âu.
Các vũ khí này bao gồm tên lửa SM-6 (tầm bắn tới 460km), tên lửa hành trình Tomahawk (tầm bắn lên tới 2.500km ở phiên bản Block II) và vũ khí siêu vượt âm do Mỹ đang phát triển, có tầm bắn lớn hơn nhiều so với các hệ thống ở châu Âu hiện nay.
Theo hãng tin RT (Nga), SM-6 và Tomahawk là những loại tên lửa đã bị cấm ở châu Âu theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cho tới khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước này năm 2009.
Trong khi đó, theo tờ EuroNews, khoảng cách gần nhất giữa Đức và Nga là 600km (tính từ vùng lãnh thổ Kaliningrad - nơi được coi là "pháo đài bất khả xâm phạm" của Nga tới thủ đô Berlin, Đức). Do đó, Nga xem việc Mỹ triển khai tên lửa ở Đức là mối đe dọa lớn với "an ninh quốc gia".
Moscow đã phản ứng gay gắt trước kế hoạch của Washington. Đại sứ Liên bang Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo Washington "đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng". Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serhiy Ryabkov nhấn mạnh rằng, Nga sẽ đưa ra phản ứng trước trước mối đe dọa.
Mỹ và Áo liên tiếp giáng đòn vào Nga
Ngoài kế hoạch triển khai tên lửa, sự vụ gần đây nhất làm leo thang căng thẳng Nga-Mỹ là việc Washington áp đặt biện pháp trừng phạt lên các công ty Trung Quốc có hoạt động kinh doanh với Nga.
Hôm 8/7, theo chuyên trang tin tức hàng hải gCaptain, do sức ép từ các biện pháp trừng phạt, tàu nâng đa dụng hạng nặng Xiao Tian Shi của Trung Quốc, chở theo 2 module nặng 14.000 tấn cho dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG-2 Bắc Cực của Nga – đã phải quay chở lại Trung Quốc khi chỉ còn vài ngày nữa là cập cảng Nga.
Washington đồng thời áp đặt trừng phạt thêm 300 cá nhân và tổ chức ở Nga trong tháng 6 vừa qua.
Về phần Áo, hãng tin Reuters hôm 9/7 cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler đã chỉ định một ủy ban gồm các chuyên gia để xác định khả năng hủy bỏ hợp đồng cung cấp khí đốt giữa tập đoàn OMV (Áo) và tập đoàn Gazprom (Nga), từ đó giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga và giáng đòn lên nền kinh tế của Moscow.
Trước đó, vào tháng 3, Nga-Áo rơi vào căng thẳng ngoại giao khi Vienna trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga do các cáo buộc liên quan tới hoạt động gián điệp.
Theo tờ The Economist, Áo từng là "người bạn tốt nhất" của Nga ở phương Tây và được coi là "pháo đài Alpine thực sự của Tổng thống Putin". Ngay cả trong lúc cuộc xung đột Ukraine thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển vội vã gia nhập NATO, Đức tăng cường lực lượng vũ trang thì Áo "vẫn bám chặt vào ý tưởng trung lập".
Nước này vẫn nhập khẩu rất nhiều khí đốt Nga với lý do "các nghĩa vụ theo hợp đồng". Tháng 4/2022, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm ông Putin kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa 2 phía đã tăng cao từ tháng 12 năm ngoái, khi Áo thông qua gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Nga.
Không lâu sau đó, Tổng thống Putin ký sắc lệnh chỉ thị thành lập các công ty mới do Nga điều hành để tiếp quản cổ phần tại mỏ dầu khí khổng lồ Yuzhno-Russkoye - thuộc sở hữu của tập đoàn OMV (Áo) và Wintershall (Đức), đánh dấu vụ tịch thu tài sản lớn nhất trong lịch sử gần đây của Nga.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)