Trường học gây tranh cãi khi thông báo chỉ tuyển dụng giáo viên có bằng cấp cao như tiến sĩ

06/01/2025 10:32:24

Trường trung học tại thành phố Tô Châu mới đây đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận toàn Trung Quốc khi thông báo rằng 10 trong số 13 nhân viên mới của trường đều đã tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh

Trường học gây tranh cãi khi thông báo chỉ tuyển dụng giáo viên có bằng cấp cao như tiến sĩ
Ảnh: SCMP.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, một trường Trung học nổi tiếng ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đã thông báo kết quả tuyển dụng 13 giáo viên, trong đó có 10 người tốt nghiệp từ hai trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.

Theo thông báo, tất cả ứng viên đều đã hoàn thành bằng cấp sau đại học và 8 người trong số họ đã có bằng tiến sĩ.

Tuy nhiên, quyết định tuyển dụng này đã gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng nó phản ánh một xu hướng đáng lo ngại trong xã hội Trung Quốc là tập trung quá nhiều vào "tấm bằng" hơn là năng lực thực tế của họ

Theo đó, các nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên những ứng viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng, bất kể kỹ năng và kinh nghiệm thực tế của họ như thế nào.

"Toàn xã hội hiện nay đang sùng bái Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh. Các trường học cố gắng thu hút giáo viên có bằng cấp từ những trường này để nâng cao thương hiệu và uy tín của trường", ông Hùng Bính Khải (Xiong Bingqi), Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.

Ông Hùng cũng cho rằng trên thực tế, trình độ học vấn và khả năng giảng dạy là hai thứ khác nhau.

"Sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh hay Thanh Hoa không nhất thiết sẽ trở thành giáo viên xuất sắc. Đó là chuyện rất bình thường và cơ bản", ông Hùng nói thêm.

Ông cũng cho rằng các trường học cũng nên xem xét kinh nghiệm giảng dạy và kỹ năng của ứng viên khi tuyển dụng. Những trường học không làm được điều này "chắc chắn sẽ gặp vấn đề về lâu dài".

Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng của trường Trung học Tô Châu cũng phản ánh sự thay đổi trong quan niệm và lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên ưu tú. Trước đây, họ có thể ưu tiên lựa chọn các công việc trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ thông tin, tài chính... nhưng hiện nay, ngành giáo dục đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn.

Xu hướng này đã tồn tại từ một thời gian. Năm 2021, hãng thông tấn Tân Hoa Xã thông tin ngày càng nhiều người có bằng tiến sĩ đang nhận việc tại các trường tiểu học và trung học.

Theo ông Hùng, hiện tượng này phổ biến nhất ở các khu vực phát triển của Trung Quốc, vì các trường học có thể trả lương cao hơn.

Nhưng trường Trung học Tô Châu đã "vượt quá giới hạn" bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng trong hầu hết trường hợp, họ ưu tiên những ứng viên có bằng tiến sĩ.

Thậm chí, trong thông báo tuyển dụng, trường tuyên bố chỉ xem xét ứng viên có bằng thạc sĩ nếu họ đáp ứng các tiêu chí đặc biệt, chẳng hạn như đã nhận được học bổng cấp quốc gia hoặc giải thưởng giảng dạy. Điều này cho thấy ngay cả ứng viên chỉ có bằng thạc sĩ cũng ít cơ hội.

QT (SHTT)