Trong 25 năm qua, quân đội Trung Quốc đã trải qua một trong những đợt hiện đại hóa đáng chú ý nhất. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cho phép Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn vào ngân sách quốc phòng với mức tăng trưởng thường lệ 2 con số.
Điều đó đã tạo điều kiện cho PLA chuyển mình từ một quân đội lấy sức người làm thế mạnh sang một lực lượng chú trọng công nghệ, thông tin và phương thức triển khai.
Một minh chứng rõ ràng nhất là sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Được thành lập năm 1949, Không quân Hải quân Trung Quốc đã từ lực lượng tương đối kém được ưu ái trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên thế giới.
Trong cuốn "Modern Chinese Warplanes: Chinese Naval Aviation", tác giả Andreas Rupprecht đã đề cập tới cơ cấu tổ chức, chương trình huấn luyện, các loại máy bay và vũ khí… của lực lượng Không quân Hải quân Trung Quốc.
Tiêm kích hạm J-15 huấn luyện cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh CV-16. Nguồn: CTTV |
Biểu tượng đáng chú ý nhất cho khả năng triển khai lực lượng của Trung Quốc hiện nay là lực lượng tàu sân bay mới ra đời của PLAN. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, CV-16 Liêu Ninh, mới được biên chế 6 năm trước, chiếc thứ hai mới được hoàn thiện gần đây và chiếc thứ 3 đang trong quá trình chế tạo.
Ông Rupprecht lưu ý rằng, gần như chắc chắn Không quân Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động từ tàu đổ bộ chở trực thăng Type 075 trong tương lai, đây là mẫu tàu tương tự như lớp Wasp của Mỹ.
Tuy nhiên, nếu như Hải quân Mỹ phân bổ Không quân hải quân vào các phi đội tuần tra và tiêm kích hạm thì PLAN còn có một số lượng đáng kể các tiêm kích trên cạn, máy bay ném bom, tiếp dầu và một số loại khác.
Trước đây, Hải quân Trung Quốc phải đứng ở vị trí sau Không quân Trung Quốc, và điều này chỉ thay đổi khi các mục tiêu về an ninh của Trung Quốc thay đổi.
Mặc dù nhiệm vụ ban đầu của Không quân Hải quân Trung Quốc là tuần tra bờ biển và tấn công các đối thủ nhăm nhe xâm lược, nhưng khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng mục tiêu của mình thì PLAN cũng vậy.
Đầu những năm 2000, Không quân Hải quân Trung Quốc đã phát triển thành một lực lượng có thể triển khai sức mạnh ra bên ngoài biên giới Trung Quốc, dù ở khoảng cách ngắn. Và khi phạm vi này mở rộng hơn thì các tàu sân bay của Trung Quốc trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Hiện nay, lực lượng Không quân Hải quân trên cạn của Trung Quốc có khả năng hỗ trợ các tàu sân bay hoạt động tới Chuỗi đảo thứ nhất – kéo dài từ bán đảo Kamchatka tới Nhật Bản, sau đó tới đảo Ryukyu, Đài Loan và Malaysia.
Ngoài các máy bay của PLAN, Không quân Hải quân Trung Quốc còn bao gồm cả các lực lượng đường không của quân binh chủng khác, như thủy quân lục chiến, hải cảnh, hải giám. Trong đó, hai lực lượng hải cảnh và hải giám đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải.
Lực lượng hải quân bán quân sự của Trung Quốc cũng là một công cụ ngày càng quan trọng để Bắc Kinh áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình.
Theo QS (Soha/Thời Đại)