Thước phim hiếm về ông Giang Trạch Dân
Theo The South China Morning Post, tang lễ của cố Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân sẽ là quốc tang trọng thể nhất của nước này kể từ tang lễ của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình năm 1997.
Từ Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đất nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc “kế thừa ý chí của ngài Giang và viết nên một chương mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Ông Tập Cận Bình cũng ca ngợi ông Giang Trạch Dân vì đã giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Đảng sau khi ông đã nghỉ hưu, bao gồm chiến dịch chống tham nhũng. Ông Giang Trạch Dân còn là người đã hiện đại hóa quân đội với “quyết định chiến lược” là ra lệnh quân đội và cảnh sát vũ trang ngừng tham gia vào hoạt động thương mại.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tôn vinh cố Chủ tịch Giang Trạch Dân vì đã làm rõ mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội, sự ổn định và phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ của mình; kiên định duy trì các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn kiên trì với các mục tiêu mở cửa và cải cách kinh tế.
Ông Giang Trạch Dân là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, giúp Trung Quốc trở thành một quốc gia thịnh vượng, trong đó có việc đưa đất nước gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
"Đồng chí Giang Trạch Dân, người được toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc yêu mến chân thành, sẽ trường tồn" - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định.
Theo Tân Hoa Xã, thi hài ông Giang Trạch Dân đã được hỏa táng tại Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn của Bắc Kinh trong ngày 5-12.
Tiễn đưa ông lần cuối, bên cạnh gia đình - trong đó có phu nhân Vương Dã Bình - là các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Lý Cường, Triệu Lạc Cơ, Vương Hỗ Ninh, Hàn Chính...
Theo trang people.cn, ông Giang Trạch Dân sinh ngày 17-8-1926; quê ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc.
Ông tham gia phong trào sinh viên từ năm 1943 và được kết nạp Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 4-1946. Năm 1947, ông tốt nghiệp Khoa Máy điện - Trường ĐH Giao thông Thượng Hải...
Sau khi kinh qua nhiều vị trí, đến sau năm 1985, ông giữ chức thị trưởng Thượng Hải rồi phó bí thư, bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Ông Giang Trạch Dân là lãnh đạo thế hệ thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 6-1989, ông được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị và trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 13 năm, từ 1989 đến 2002.
Tháng 3-1993, ông Giang Trạch Dân được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc và giữ chức vụ này trong 10 năm (1993-2003). Ông đảm đương chức Chủ tịch Quân ủy trung ương từ năm 1989 đến năm 2004.
Tân Hoa Xã mô tả ông Giang Trạch Dân là "nhà lãnh đạo kiệt xuất, uy tín, một người theo chủ nghĩa Mác, nhà cách mạng vô sản vĩ đại, đồng thời là chính khách, nhà chiến lược quân sự và nhà ngoại giao lâu năm".
Tân Hoa Xã cho biết ông Giang Trạch Dân qua đời vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng tại TP Thượng Hải lúc 12 giờ 13 phút chiều 30-11 ở tuổi 96.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)