Sau khi nghị quyết được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, thông qua, luật an ninh chi tiết sẽ được Ủy ban Thường vụ quốc hội soạn thảo và có thể được ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong.
Luật an ninh mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cảnh sát chống bạo động đã được triển khai trên khắp Hong Kong để ngăn chặn bất kỳ cuộc biểu tình tiềm năng nào.
Nghị quyết về dự luật an ninh Hong Kong được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc hôm 22/5. Dù Điều 23 Luật Cơ bản, đóng vai trò như "tiểu hiến pháp" Hong Kong, quy định đặc khu tự thông qua luật an ninh, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh dường như không còn kiên nhẫn sau các cuộc biểu tình ở thành phố hồi năm ngoái.
Đề xuất này làm dấy lên mối lo ngại về số phận chính sách "một quốc gia, hai chế độ" hứa hẹn cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Những cuộc biểu tình đã xảy ra trên đường phố Hong Kong và cảnh sát bạo động được triển khai để giải tán đám đông.
Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam bác bỏ những chỉ trích cho rằng dự luật sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của thành phố và trấn an người dân rằng dự luật không vi phạm quyền và tự do của họ, mà chỉ nhằm vào nhóm thiểu số cực đoan.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27/5 tuyên bố Hong Kong không còn được hưởng mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục và không còn đủ điều kiện được đối xử theo cách luật Mỹ đã áp dụng cho Hong Kong trước tháng 7/1997. Tổng thống Donald Trump trước đó cũng cảnh báo Mỹ sẽ hành động với Trung Quốc trong tuần này vì dự luật Hong Kong.
Theo Huyền Lê (Vnexpress.net)