"Nếu Tổng thổng ra lệnh thử nghiệm hệ thống vì tình hình kỹ thuật hoặc địa chính trị, tôi nghĩ nó sẽ diễn ra tương đối nhanh. Một cuộc thử nghiệm chớp nhoáng với thông số giới hạn có thể được tiến hành chỉ trong vài tháng", quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề hạt nhân Drew Walter nói trong hội thảo của Viện Nghiên cứu Hàng không Mitchell tại Mỹ hôm 26/5.
Walter nhấn mạnh rằng Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), đơn vị bảo đảm an toàn cho kho dự trữ vũ khí hạt nhân Mỹ, được yêu cầu "duy trì khả năng nối lại thử hạt nhân theo thời gian biểu cụ thể".
Phát biểu được đưa ra sau khi tờ Washington Post hôm 23/5 dẫn tin từ các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đại diện các cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ đã thảo luận về khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992.
Giới chức an ninh Mỹ cho rằng các quốc gia như Nga và Trung Quốc tiến hành thử hạt nhân đương lượng thấp, nhưng không nêu bằng chứng cụ thể và hai quốc gia trên đã bác bỏ cáo buộc. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và NNSA từ chối bình luận.
Kể từ năm 1945, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành khoảng 2.000 vụ thử hạt nhân, trong đó hơn 1.000 vụ do Mỹ thực hiện. Lần gần đây nhất Mỹ thử hạt nhân là vào tháng 9/1992.
Các hậu quả liên quan môi trường và sức khoẻ con người do thử hạt nhân đã thúc đẩy các nước đàm phán Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) từ thập niên 1990. CTBT tới nay đã có 184 quốc gia ký kết, bao gồm cả Mỹ, nhưng chưa có hiệu lực vì 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chưa phê chuẩn văn kiện này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/5 kêu gọi Mỹ tôn trọng trách nhiệm và thực thi đầy đủ nghĩa vụ với CTBT, nhấn mạnh nó là công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy giải giáp, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu.
Theo Vũ Anh (VnExpress.net)