Cơ quan An ninh mạng Trung Quốc thông báo chiến dịch “thanh lọc” Internet kéo dài 1 tháng nhằm mục đích tạo ra “một môi trường trực tuyến lành mạnh, hạnh phúc và hòa bình”. Đây là cơ quan được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập ra năm 2014 để bảo vệ an ninh dữ liệu và Internet nước này.
Thời điểm của chiến dịch không chỉ trùng với dịp nghỉ Tết mà còn liên quan đến Thế vận hội mùa đông 2022 diễn ra vào tháng 2. Thế vận hội đánh dấu sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất mà Trung Quốc tổ chức từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền năm 2012. Chính phủ của ông xem đây là cơ hội để trình diễn một Trung Quốc mạnh mẽ và thống nhất.
Theo kế hoạch của cơ quan an ninh mạng, trang chủ của các trang web truyền thông then chốt, các danh sách tìm kiếm xu hướng hàng đầu, các cửa sổ pop-up, trang nội dung tin tức quan trọng phải được quản lý cẩn thận để chỉ hiển thị “thông tin tích cực”. Những thông tin bạo lực, máu me, khiêu dâm, thô tục, bất hợp pháp hoặc tiêu cực khác nên bị xóa bỏ để tạo “bầu không khí trực tuyến tích cực”.
Nhà chức trách cũng triệt phá các tin đồn trên mạng, ngăn chặn những người nổi tiếng “phạm pháp và vô đạo đức” quay trở lại. Nhiều năm nay, Trung Quốc trừng phạt các ngôi sao có hành vi sai trái bằng cách loại bỏ sự hiện diện của họ trên Internet. Chẳng hạn, năm 2021, nữ diễn viên Trịnh Sảng bị xóa khỏi các website video và đài truyền hình do bị phạt 46 triệu USD vì tội trốn thuế.
Một số hành vi “xấu” khác bị nhằm vào là những người khoe của, ăn uống vô độ, ủng hộ hoặc hành nghề bói toán trên Internet.
Chiến dịch không gây bất ngờ khi năm ngoái, Bắc Kinh cũng thực hiện một nỗ lực tương tự để kiểm soát Internet chặt hơn, thanh trừng những gì mà họ cho là có vấn đề trên không gian mạng và giải trí. Tháng 6/2021, Trung Quốc phát động chiến dịch trực tuyến nhằm vào văn hóa người hâm mộ “hỗn loạn”. Chiến dịch sau đó mở rộng, lan sang toàn ngành giải trí khi chính quyền cam kết xóa nội dung “không lành mạnh” khỏi các chương trình, cấm người nổi tiếng có “tư tưởng chính trị lệch lạc”, “phong cách ẻo lả” và nuôi dưỡng bầu không khí “yêu nước”.
Theo Du Lam (ICT News)