Với hàng loạt cơ sở quân sự đang trong giai đoạn hoàn tất tại 3 đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc đã sẵn sàng để triển khai chiến đấu cơ xuống Trường Sa.
Các hệ thống radar và nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập |
Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) hôm 27.3 công bố hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp các công trình phi pháp của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Dựa vào các hình ảnh chụp hồi đầu và giữa tháng 3, AMTI nhận xét Trung Quốc gần như đã hoàn tất các cơ sở hải quân, không quân, radar và cứ điểm phòng ngự trên các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.
Cụ thể, trên mỗi đảo nhân tạo trong bộ ba này hiện có các nhà chứa đủ để triển khai 24 chiến đấu cơ và từ 4 - 5 loại máy bay cỡ lớn hơn, như ném bom, vận tải, tiếp dầu... Bên cạnh đó là hệ thống các công trình chứa tên lửa và các tháp radar quy mô. Theo AMTI, Bắc Kinh hiện đã sẵn sàng để có thể triển khai chiến đấu cơ hoặc các hệ thống tên lửa di động đến Trường Sa bất kỳ lúc nào.
Phủ khắp Biển Đông
Hiện Trung Quốc đã đưa vào sử dụng đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 suốt hơn một năm qua và ít nhất một lần từng đưa tên lửa hành trình chống hạm đến đảo này.
Theo AMTI, kết hợp với đường băng ở Phú Lâm, các cơ sở quân sự phi pháp ở Trường Sa cho phép máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động gần như trên toàn bộ vùng trời Biển Đông. “Điều này cũng đúng với tầm bao phủ của radar Trung Quốc, nhờ vào các cơ sở radar giám sát/cảnh báo sớm hiện đại trên Chữ Thập, Xu Bi, Châu Viên, cũng như Phú Lâm, và các cơ sở nhỏ hơn ở những nơi khác”, AMTI nhận xét.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross đã từ chối bình luận về các hình ảnh, thông tin mà AMTI vừa công bố, nói rằng bộ này giữ nguyên tắc không bình luận về thông tin tình báo, theo Reuters. Tuy nhiên, ông nói: “Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên Biển Đông càng lộ rõ bằng chứng về việc nước này tiếp tục các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Hồi tháng trước, giới chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng Trung Quốc đã hoàn tất hơn hai chục công trình, rất có thể nhằm chứa tên lửa đất đối không tầm xa trên đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.
Vùng chống xâm nhập
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc thường xuyên tuyên bố các công trình phi pháp của họ hoàn toàn vì mục tiêu dân sự, phủ nhận mọi cáo buộc đang quân sự hóa Biển Đông. Nhưng đến 24.3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận nước này đã đưa thiết bị quân sự đến đây nhằm mục đích “duy trì tự do hàng hải”.
Theo tờ The Japan Times, phân tích hình ảnh vệ tinh của AMTI cung cấp những “bằng chứng thuyết phục nhất” rằng trái với cam kết của Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiếp tục quân sự hóa khu vực trong nỗ lực củng cố sự khống chế trên thực tế với phần lớn vùng biển này.
Một báo cáo hồi cuối năm ngoái của tổ chức tư vấn chính sách của Úc mang tên Viện Lowy đánh giá việc xây dựng các tiền đồn chiến lược ở Biển Đông cho phép Trung Quốc tăng cường năng lực triển khai lực lượng, có thể kéo dài thời gian và tầm hoạt động của quân đội cũng như lực lượng tuần duyên trong khu vực. Viện Lowy cho rằng tất cả đều nằm trong kế hoạch triển khai các khí tài không quân, hải quân và tuần duyên của Trung Quốc trên Biển Đông và có thể cả hỗ trợ việc thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực.
Báo cáo trên cũng đánh giá rằng sự kết hợp các cơ sở radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và chiến đấu cơ cho phép Trung Quốc thiết lập “vùng chống xâm nhập mini”, kéo dài từ đảo Hải Nam xuống phía nam nhằm đẩy bật hải quân Mỹ khỏi Biển Đông.
Theo Kiều Oanh (Thanh Niên Online)