Được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, sáng kiến Vành đai và Con đường là một trong những thành tố quan trọng hướng tới mục tiêu hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kế hoạch tham vọng này nhằm kết nối hàng loạt quốc gia châu Á, châu Âu và Bắc Phi thông qua những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời nhiều quan chức ngân hàng và chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về tình trạng thiếu hụt tài chính ngày càng nghiêm trọng.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Quảng Châu hồi cuối tuần, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) Lý Nhược Cốc cảnh báo đa số các quốc gia đối tác tham gia Vành đai và Con đường hiện không đủ tiền để gánh những dự án. Nhiều nước đang oằn mình trước các khoản nợ khổng lồ và cần “nguồn tài chính thực” cũng như sự góp sức từ giới đầu tư tư nhân. Hơn nữa, ông Lý cho rằng việc tìm kiếm thêm nhiều nguồn quỹ đa dạng cho các dự án là việc “vô cùng cam go”.
Tương tự, ông Vương Nhất Minh, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ước tính dù nhận được sự hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức nhưng nguồn quỹ dành cho Vành đai và Con đường có thể thiếu tới 500 tỉ USD/năm. Theo ông, nguyên nhân là sự tham gia ít ỏi của giới tư nhân và khả năng thu lợi nhuận thấp, trong khi “những nước tham gia có năng lực tài chính thấp và tỷ lệ nợ cao”. Trước mắt, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho hay Bắc Kinh đang tìm cách bắt tay với các tổ chức quốc tế và những trung tâm tài chính như Hồng Kông và London để đa dạng hóa nguồn vốn.
Trong khi đó, giới chuyên gia nước ngoài nhận định có thể Trung Quốc bắt đầu nhận “trái đắng” từ chính cách thức triển khai Vành đai và Con đường của mình. Nhiều dự án hạ tầng khổng lồ được doanh nghiệp Trung Quốc triển khai tại các quốc gia năng lực tài chính thấp bằng nguồn vốn vay từ những tổ chức của nước này hoặc do Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo như Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển mới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Eximbank Trung Quốc và Quỹ con đường tơ lụa.
Bản thân các dự án cũng bị cho là thiếu minh bạch, chậm hoàn thành và đẩy nước sở tại vào cảnh nợ nần chồng chất để rồi phải chuyển giao tài sản chiến lược. Đơn cử như Sri Lanka vào năm 2017 đã cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota đến 99 năm để tái cấu trúc khoản nợ lên đến 12,6 tỉ USD. Tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo: “Các dự án này kéo theo nợ nần tăng vọt, gây thêm thách thức cho các quốc gia có mức nợ công cao”. Bà kêu gọi tăng cường minh bạch và hợp tác bình đẳng để ứng phó nguy cơ này cũng như ngăn chặn tham nhũng trong những dự án lớn thuộc Vành đai và Con đường. Với lý do trên, sáng kiến này bị cho là hướng tới mục tiêu chính trị và áp đặt ảnh hưởng địa chiến lược hơn là triển vọng kinh tế. Vì vậy, nhiều nền kinh tế lớn và giới đầu tư không mặn mà trong khi Trung Quốc bắt đầu tỏ dấu hiệu đuối sức.
Theo Thụy Miên (Thanh Niên Online)