Trung Quốc lập cột mốc mới trên Mặt trăng
Ngày 4/5, Reuters đưa tin, Trung Quốc vừa phóng thành công tàu vũ trụ không có người lái trong sứ mệnh kéo dài gần hai tháng để lấy đá và đất từ phía xa của Mặt trăng. Trong lịch sử, đây là quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng như vậy.
Trường Chinh 5, tên lửa vũ trụ lớn nhất của Trung Quốc, đã phóng tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Chang'e-6 (Hằng Nga 6) vào lúc 5:27 chiều giờ Bắc Kinh ngày 3/5/2024 từ Trung tâm Phóng Không gian Văn Xương trên đảo phía nam đảo Hải Nam, đưa tàu thăm dò Chang'e-6 nặng hơn 8 tấn vào không gian.
Chang'e-6 được giao nhiệm vụ hạ cánh xuống Lưu vực Nam Cực-Aitken ở phía xa của Mặt trăng, nơi nó sẽ lấy các mẫu vật Mặt trăng rồi mang về Trái đất nghiên cứu.
Vụ phóng vào không gian mới nhất này đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong chương trình thám hiểm không gian nói chung và Mặt trăng nói riêng của Trung Quốc.
Pierre-Yves Meslin, nhà nghiên cứu người Pháp đang thực hiện một trong những mục tiêu khoa học của chương trình Hằng Nga 6, cho biết: "Đối với chúng tôi, điều bí ẩn nhất vẫn là làm thế nào mà Trung Quốc có thể phát triển một chương trình Hằng Nga đầy tham vọng và thành công trong một thời gian ngắn như vậy".
Năm 2018, Hằng Nga 4 đã ghi danh Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống Mặt trăng ở phía xa. Năm 2020, Hằng Nga 5 đánh dấu lần đầu tiên con người lấy được mẫu Mặt trăng sau 44 năm kể từ thời Apollo của NASA, và Hằng Nga 6 hứa hẹn có thể đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên lấy mẫu từ phía xa của vệ tinh tự nhiên của Trái đất, Reuters bình luận.
Tham dự sự kiện trọng đại này có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà ngoại giao và quan chức cơ quan vũ trụ từ Pháp, Ý, Pakistan và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Tất cả các cơ quan vũ trụ này đều có những đóng góp trong việc phát triển các dụng cụ khoa học gắn trên tàu Hằng Nga 6.
"Riêng Mỹ, không có bất cứ mối hợp tác nào với chúng tôi" - Ge Ping, Phó giám đốc Chương trình Không gian và Thám hiểm Mặt trăng của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết.
Luật pháp Mỹ cấm Trung Quốc hợp tác với cơ quan vũ trụ NASA.
Hành trình đến nơi bí ẩn của Mặt trăng
Sau khi tàu thăm dò Hằng Nga 6 tách khỏi tên lửa, sẽ mất từ 4 đến 5 ngày để đến được quỹ đạo của Mặt trăng. Dự kiến, vài tuần nữa, Hằng Nga 6 sẽ đổ bộ Mặt trăng.
Khi ở trên Mặt trăng, tàu thăm dò sẽ dành hai ngày để đào 2 kg mẫu trước khi quay trở lại Trái đất. Nơi dự kiến hạ cánh là ở Nội Mông, Trung Quốc.
Các mẫu do Hằng Nga 5 từng mang về cho phép các nhà khoa học Trung Quốc khám phá những chi tiết mới về Mặt trăng, bao gồm cả việc xác định chính xác hơn khoảng thời gian hoạt động của núi lửa trên Mặt trăng, cũng như tìm kiếm một loại khoáng chất mới.
Quan chức cấp cao cảu chương trình Hằng Nga cho biết giá trị khoa học của Hằng Nga 6 nằm ở tuổi địa chất của lưu vực Nam Cực-Aitken mà các nhà khoa học Trung Quốc ước tính là khoảng 4 tỷ năm - già hơn nhiều so với các mẫu mà Liên Xô và Mỹ mang về trước đó.
Bên cạnh việc khám phá thông tin mới về thiên thể gần Trái đất nhất, Hằng Nga 6 còn là một phần của dự án dài hạn nhằm xây dựng trạm nghiên cứu lâu dài trên Mặt trăng: Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) do Trung Quốc và Nga dẫn đầu.
Việc xây dựng một trạm như vậy sẽ cung cấp tiền đồn cho Trung Quốc và các đối tác theo đuổi hoạt động thám hiểm không gian sâu.
James Carpenter, người đứng đầu khoa học Mặt trăng của ESA, cho biết: "Chúng tôi biết rằng Mặt trăng có thể có những tài nguyên rất hữu ích trong tương lai, vì vậy Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, NASA, cơ quan vũ trụ Trung Quốc và các cơ quan vũ trụ khác trên thế giới sẽ lên Mặt trăng".
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Dự án Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc, phát biểu tại Hội nghị Vũ trụ Trung Quốc 2024 vào tháng 4/2024, cho biết "mô hình cơ bản" của ILRS sẽ được xây dựng vào năm 2035.
Theo Trang Ly (Nguoiduatin.vn)