Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 11/8 đưa tin, Bộ Thủy lợi Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng mực nước sông Mekong tại các nước Đông Nam Á ở vùng hạ lưu đã giảm từ cuối tháng 7 đến đầu tháng này vì hạn chế dòng chảy từ đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc.
Trung Quốc phủ nhận chặn đập làm giảm mực nước sông Mekong
"Không có chuyện chặn dòng nước trong vận hành các nhà máy thủy điện [của Trung Quốc], và chúng không tiêu thụ nước. Thay vào đó, [các nhà máy thủy điện] điều tiết dòng chảy một cách khoa học," SCMP trích thông cáo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc.
"Trong mùa lũ, nhà máy trữ nước một cách hợp lý, giảm lưu lượng xả, và tăng lưu lượng xả một cách thích hợp trong mùa khô để làm giảm thiểu thiên tai lũ lụt và hạn hán ở lưu vực sông."
Theo phân tích lưu lượng nước ở hạ lưu sông Mekong do các chuyên gia của Bộ Thủy lợi Trung Quốc thực hiện, những biến động gần đây của mực nước tại trạm thủy văn Chiang Saen tại Thái Lan chủ yếu là do "lượng mưa ngắt quãng".
Bộ này cho biết từ ngày 18-22/7, lưu lượng của đập Cảnh Hồng vẫn ổn định ở mức khoảng 1.400 m3/giây, nhưng do lượng mưa trong khoảng thời gian này nên mực nước tăng 4.770 m3/giây trong vòng 5 ngày. Điều này dẫn đến việc mực nước dâng lên 3,8m và dần dần hạ xuống, Ủy ban sông Mekong (MRC) cũng đã đưa ra kết luận tương tự trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 28/7.
MRC là một ủy ban liên chính phủ tập trung vào sự phát triển bền vững của tuyến đường thủy dài 4.909km. Các thành viên của Ủy ban bao gồm bốn trong sáu quốc gia mà sông Mekong chảy qua - Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia còn lại.
Trích dẫn cùng một báo cáo, Bộ Thủy lợi Trung Quốc nói rằng sự biến động mạnh của mực nước trong thời gian này cũng là do việc xả nước từ các trạm thủy điện nằm trên các phụ lưu của sông Mekong.
"Hiện nay, sông Mekong đang trong mùa mưa. Dưới tác động của lượng nước mưa và các yếu tố khác, mực nước dao động thường xuyên hơn vào mùa khô. Đây là một hiện tượng thủy văn bình thường."
Tuần trước, MRC cho biết mặc dù Trung Quốc đã cam kết không hạn chế dòng nước chảy từ đập Cảnh Hồng cho đến cuối tháng này, dòng chảy của sông Mekong bên dưới đập thủy điện đã giảm từ 1.507 xuống 997 m3/giây. Xét về mực nước nói chung, mức suy giảm khoảng 0,8m, từ 536,32m vào ngày 28/7 xuống còn 535,52 mét vào ngày 3/8.
Vào ngày 30/7, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết kế hoạch giữ nước từ con đập này để tạo điều kiện cho "xây dựng lưới điện" sẽ bị hoãn lại cho đến cuối tháng 8, với lý do cần phải chuẩn bị kỹ thuật. Kế hoạch ban đầu để hạn chế lưu lượng nước từ 900-1.300 mét khối / giây xuống khoảng 700 mét khối / giây từ ngày 31/07- 20/08 đã được công bố trước đó hai ngày.
Chuyên gia: 60 triệu người bị đe dọa vì mực nước sông thay đổi đột ngột
Bà Pianporn Deetes, giám đốc truyền thông và chiến dịch khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers), cho biết bất chấp thông báo của Trung Quốc về việc tạm hoãn giữ nước của đập Cảnh Hồng, người dân địa phương ở tỉnh Chiang Rai phía bắc Thái Lan đã chứng kiến mực nước giảm sút.
"Mặc dù lượng mưa là một yếu tố quan trọng, nhưng những biến động ở Chiang Saen và Chiang Khong đã trở nên trầm trọng hơn do sông Lan Thương (tên gọi của sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc-PV), chứ không phải do các đập phụ lưu, bởi các đập này nằm ở thượng nguồn nơi các nhánh sông chính của hạ lưu sông Mekong như Nam Ou," bà nói.
Các chuyên gia và nhà hoạt động lập luận rằng sự thay đổi mực nước sông đột ngột sẽ là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và ngành ngư nghiệp và có thể ảnh hưởng đến sinh kế của khoảng 60 triệu người sống ở các nước ở khu vực hạ lưu. Đầu năm nay, họ cũng kêu gọi Trung Quốc cảnh báo kịp thời hơn nếu nguồn nước từ các đập thủy điện nằm dọc thượng nguồn sông Mekong bị giữ lại hoặc xả ra.
Bà Deetes nói rằng con số 13,5% là lượng nước mà Lan Thương đóng góp cho Đồng bằng sông Mekong, nhưng ở Chiang Saen, lượng nước này có ý nghĩa lớn hơn nhiều, chiếm hơn 90% trong mùa khô.
"Do đó, cách thức vận hành của sông Lan Thương có tác động lớn đến miền bắc Thái Lan và các khu vực khác," bà Deetes nói.
Brian Eyler, đồng trưởng dự án của chương trình Mekong Dam Monitor do Mỹ tài trợ, cho biết theo ước tính từ ngày 2-8/8, các đập của Trung Quốc đã giữ lại 985 triệu m3 nước để lấp đầy các hồ chứa ở thượng nguồn tại nước này.
"Điều này dẫn đến hạn chế dòng chảy khoảng 1.600 m3/giây, phù hợp với sự thay đổi dòng chảy quan sát được ở hạ lưu ở Chiang Saen," ông nói.
Dữ liệu vệ tinh và hình ảnh từ Monitor cũng cho thấy rõ ràng rằng các hồ chứa lớn tại Xiaowan và Nuozhadu ở Trung Quốc đã đầy nước trong vài tuần qua. "Việc lấp đầy các hồ chứa là nhờ dòng chảy bị hạn chế và việc này khiến cho mực nước sông ở hạ lưu tại Chiang Saen sụt giảm," ông Eyler nói.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng cho biết sáu quốc gia đang cùng nhau xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong và có kế hoạch tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong lưu vực sông. Các nước cũng đang tiến hành một loạt các nghiên cứu chung về sự biến động mực nước do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, để cùng ứng phó với những thách thức mà lưu vực phải đối mặt.
Bà Deetes nói các nghiên cứu chung này đều phải dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của người dân địa phương về những thay đổi của dòng sông.
"Các nghiên cứu cũng nên khuyến nghị những thay đổi đối với chế độ hoạt động của thác Lan Thương, nguyên nhân chính gây ra những tác động tiêu cực đến dòng sông và cộng đồng ở miền bắc Thái Lan và các khu vực khác" bà Deetes nói thêm.
Theo Thu Ngọc (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)