Vụ vỡ đập thủy điện tại Lào vừa qua đã cho thấy sự phát triển với tốc độ chóng mặt của dòng sông có vị trí chiến lược quan trọng ngày càng tăng đối với Trung Quốc và các nước láng giềng.
Với hàng trăm nghìn người sống dọc theo bờ sông Mekong kéo dài từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, dòng sông là nguồn sống.
Vụ lũ lụt hồi tháng trước do vỡ đập thủy điện tại Lào đã khiến 30 người thiệt mạng, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế địa phương và khiến ít nhất 6.000 người lâm vào cảnh vô gia cư, đã dấy lên câu hỏi về việc con sông này đang bị chi phối như thế nào.
Một dòng tiền lớn đã được đổ vào các quốc gia, cạnh tranh xây dựng các nhà máy thủy điện. Ở các quốc gia nghèo hơn như Campuchia và Lào, nguồn đầu tư này luôn được chào đón, mặc dù khoản tiền này thường có các ràng buộc chiến lược đi kèm.
Trung Quốc, hiện là cường quốc lớn nhất trong khu vực, cũng là nơi dòng Mekong khởi thủy, đang sử dụng ưu thế kinh tế của mình để vươn dài cánh tay ra xa hơn.
Tăng cường kiểm soát dòng Mekong, hay còn được gọi là Lan Thương ở Trung Quốc cho phép Bắc Kinh có tiếng nói lớn hơn về việc sử dụng các nguồn lực quan trọng của con sông, và lôi kéo các nước về phía mình.
Elliot Brennan, một nghiên cứu viên tại Viện An ninh & Bảo tồn tại Bangkok, cho biết, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với hệ thống sông, thông qua các đập thượng lưu và các đập liên doanh trên sông Mekong, là một nửa còn lại của chiến lược "lát cắt salami" ở Đông Nam Á. Nửa còn lại là gia tăng xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và khả năng quân sự.
Trung Quốc đã xây dựng 6 đập lớn trên phần thượng lưu của sông Mekong và với kế hoạch xây dựng thêm 21 con đập nữa, khả năng lưu trữ và cấp nước trong mùa khô và thời điểm hạn hán đang được tăng lên.
Mekong được các nhà bình luận mô tả như là điểm bùng phát địa chính trị tiếp theo trong khu vực. Trong khi độ "nóng" ở đây không đến mức như ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây dựng trái phép một loạt các tiền đồn quân sự tại các đảo đá, vấn đề sông Mekong trên thực tế vô cùng quan trọng. Đó là vì giá trị của nó như là một tuyến đường thủy đến biển, qua các "vựa lúa" ở Đông Nam Á, nơi trồng lúa và các cây trồng chính khác cũng như sản lượng cá dồi dào.
Ở cả Mekong và Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai cả củ cà rốt (vốn đầu tư) và cây gậy (áp lực ngoại giao). Trong khi các công ty Trung Quốc đổ tiền vào việc mở rộng mạng lưới đập dọc theo con sông, thì chính phủ Trung Quốc cũng đã tìm cách tối đa hóa tiếng nói quyết định của mình về toàn bộ dòng Mekong dài 4.350 km.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang đầu tư vào các dự án lớn ở hạ lưu, đặc biệt là ở Lào, Campuchia và Myanmar.
Matt Busch, một nhà nghiên cứu tại chương trình Đông Á của Viện Lowy cho rằng: "Với các cấu trúc quản trị hiện tại cho sông Mekong, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều nước hành động một mình để đảm bảo những gì họ nhận thức được vì lợi ích ngắn hạn của họ".
Theo Minh Khôi (VietNamNet)