Trung Quốc, Mỹ, Nga trước ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân mới

30/05/2018 06:50:40

Việc cả Trung Quốc, Mỹ và Nga đều đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân thông minh có nguy cơ đẩy các cường quốc vào cuộc chạy đua hạt nhân mới.

5 thử nghiệm mỗi tháng là số vụ nổ hạt nhân mô phỏng mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian qua. Theo một báo cáo của Học viện Kỹ thuật Vật lý Trung Quốc, Bắc Kinh đã tiến hành khoảng 200 thí nghiệm mô phỏng các vụ nổ hạt nhân trong 3 năm, từ tháng 9/2014 tới tháng 12/2017. Cùng thời gian đó, Mỹ chỉ tiến hành 50 vụ.

Trung Quốc đang gia nhập cùng Mỹ và Nga trong cuộc đua bổ sung kho vũ khí hạt nhân thông minh mà nước này coi là công cụ nhằm răn đe các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo động thái của Trung Quốc, mà nước này nói để phòng vệ, thực tế lại làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân với các cường quốc khác.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ muốn kẻ thù của nước này tin rằng Washington không ngần ngại sử dụng kho vũ khí thế hệ mới của mình, ví dụ các đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn, thông minh hơn, được thiết kế nhằm giảm thiểu thiệt hại ngoài ý muốn với khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu bị nhắm đến.

Tuy nhiên, việc các cường quốc sở hữu loại vũ khí được coi là an toàn và ít tàn phá không mang lại viễn cảnh một thế giới an toàn hơn. Giới chuyên gia cho rằng những loại vũ khí thông minh có chiều hướng khuyến khích các chính phủ xem xét khả năng sử dụng năng lực hạt nhân trong thực tế. "Sử dụng các đầu đạn hạt nhân loại nhỏ có thể dẫn tới việc sử dụng những đầu đạn lớn hơn", chuyên gia hải quân Li Jie từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post.

Trung Quốc, Mỹ, Nga trước ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân mới
Số thí nghiệm mô phỏng nổ hạt nhân của Trung Quốc vượt trội Mỹ thời gian qua. Nguồn: Học viện Kỹ thuật Vật lý Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường thí nghiệm hạt nhân

Chuyên gia Li cho biết dù Trung Quốc có thể sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, nước này vẫn coi việc phát triển vũ khí hạt nhân thông minh là nhu cầu thiết yếu. "Nếu nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân với chúng tôi, chúng tôi phải trả đũa. Đây là lý do nghiên cứu phát triển các loại vũ khí mới đang được tiến hành".

Dù Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT cấm các quốc gia thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân mới, các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tiến hành mô phỏng các vụ nổ thí nghiệm.

Các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Trung Quốc ẩn sâu trong lòng núi ở Miên Dương, Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên. Dưới những đường hầm dài nhiều km, những vụ nổ chát chúa từ mô phỏng thí nghiệm hạt nhân vang lên nhiều hơn một lần mỗi tuần. Chỉ trong 3 năm, các nhà khoa học hạt nhân Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ nổ mô phỏng hơn 15 năm trước đó của Mỹ.

Trung Quốc, Mỹ, Nga trước ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân mới - 1
Súng hơi đa tầng được sử dụng trong mô phỏng nổ hạt nhân. Ảnh: SCMP.

Những thí nghiệm hiện nay được Trung Quốc thực hiện sử dụng súng hơi đa tầng, thiết bị đồ sộ phức tạp mô phỏng sóng xung kích, sức ép và nhiệt độ cực cao vốn được tạo ra từ một vụ nổ hạt nhân thực sự. Thí nghiệm với thiết bị này giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu cần thiết để phát triển các loại vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn.

Trong quá khứ, các nhà khoa học sử dụng siêu máy tính xử lý dữ liệu thu thập được từ các vụ thử hạt nhân trong quá khứ. Nay, những công nghệ mới phát triển, như thiết bị siêu âm và trí tuệ nhân tạo, đã mở ra cánh cửa cho các nhà khoa học phát triển những loại vũ khí hạt nhân mới, nhỏ gọn hơn, chính xác hơn.

Những loại vũ khí mới được đánh giá "có khả năng sử dụng thực tế" hơn cho các nhiệm vụ chiến thuật như phá hủy cơ sở ngầm dưới lòng đất mà ít gây ra rò rỉ phóng xạ. Vũ khí hạt nhân thế hệ mới có mức độ tàn phá giới hạn hơn, ít có khả năng xóa sổ toàn bộ một thành phố như những gì xảy ra tại Nagasaki và Hiroshima, nhưng vẫn có sức mạnh vượt trội so với vũ khí thông thường.

"Trung Quốc thí nghiệm trên quy mô lớn không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đang vượt mặt Washington trong phát triển vũ khí hạt nhân", giáo sư Wang Chuanbin từ Phòng thí nghiệm nhà nước về Công nghệ tiên tiến, Đại học Công nghệ Vũ Hán, đánh giá.

Số lượng các thí nghiệm hạt nhân trên thực địa của Trung Quốc chỉ là số lẻ so với Mỹ. Từ khi khởi động Dự án Manhattan năm 1945, Mỹ đã kích nổ hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân. Ở phía bên kia, Trung Quốc mới chỉ có 45 vụ thử nghiệm trên thực địa.

Dù Trung Quốc về tổng thể vẫn ở phía sau so với Mỹ trong nấc thang hạt nhân, Bắc Kinh dường như đã vượt mặt Mỹ trong một số lĩnh vực. "Những tiến triển đạt được một phần từ các đột phá công nghệ, một phần khác nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ", Lou Guoqiang, một chuyên gia từ Phòng thí nghiệm nhà nước về Công nghệ tiên tiến, cho biết.

Việc Trung Quốc tăng cường thí nghiệm mang lại nguy cơ khiến Mỹ có các biện pháp đối phó, từ đó khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. "Điều này sẽ là tin xấu cho tất cả mọi người", giáo sư Wang nhận xét.

Trung Quốc, Mỹ, Nga trước ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân mới - 2
Thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên thực địa đã bị cấm theo quy định của NPT. Ảnh: Reuters.

Cuộc chạy đua hạt nhân mới đã bắt đầu

James Lewis, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết một cuộc chạy đua vũ trang mới đã âm thầm bắt đầu.

Nhà Trắng hiện cân nhắc một kế hoạch trị giá 1,2 nghìn tỷ USD nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. Đầu năm nay, Lầu Năm Góc thông báo sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể gắn vào tên lửa dẫn đường thông thường và được phóng từ tàu ngầm.

Ông Lewis cho biết những kế hoạch trên là động thái đáp trả các động thái của Nga.

Trung Quốc, Mỹ, Nga trước ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân mới - 3
Vụ phóng thử tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: AP.

Chính phủ Nga vài năm qua đã công bố một loạt chương trình vũ khí hạt nhân mới, từ vũ khí hạt nhân loại nhỏ tới siêu ngư lôi có khả năng xóa sổ cả một thành phố ven biển. "Tôi không chắc các chương trình của người Nga thành công tới mức độ nào nhưng chúng đã khiến tất cả mọi người phải chú ý", ông Lewis nói.

Giới chức Mỹ công khai tuyên bố muốn kho vũ khí hạt nhân của nước này trở thành công cụ răn đe đáng nể đối với ý định sử dụng vũ khí hạt nhân của bất cứ quốc gia nào. Tổng thống Trump cho thấy chính quyền Mỹ nay cởi mở hơn với trong việc thảo luận khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, tiêu biểu là lời đe dọa "lửa và cuồng nộ" gửi tới Triều Tiên năm 2017.

"Sau một vài cuộc tranh luận, chính quyền Mỹ quyết định nước này cần xem xét tới vũ khí hạt nhân dù có thể không cần những vụ thử nghiệm thực sự. Tôi chẳng ngạc nhiên nếu Trung Quốc theo sát những diễn biến này và quyết định tham gia vào cuộc chơi", Lewis nói. 

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật thế hệ mới của Trung Quốc được thiết kế phục vụ tác chiến trong phạm vi gần, ví dụ như xóa sổ hoàn toàn một nhóm tàu sân bay.

Hồi tháng 2, không lâu sau khi Washington công bố chính sách vũ khí hạt nhân mới, Thời báo Hoàn cầu xuất bản bài xã luận tuyên bố Bắc Kinh đang xem xét nghiêm túc chương trình vũ khí hạt nhân loại nhỏ, động thái phản ứng lại cái mà Bắc Kinh coi là một cuộc chạy đua hạt nhân của Mỹ.

"Trung Quốc có khả năng tăng mạnh số lượng và công nghệ của kho vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cần có chính sách mới trong tình hình mới", Thời báo Hoàn cầu tuyên bố.

Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật