“Phái đoàn Mỹ đã đến Triều Tiên [tham gia] công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và tôi”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo các quan chức hai bên đã hội đàm tại Bàn Môn Điếm.
Bên cạnh những cuộc thảo luận này, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cũng thông tin về một phái đoàn trù bị cũng khởi hành đến Singapore (nơi dự kiến diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh) vào sáng cùng ngày, với nhiệm vụ sắp xếp công tác hậu cần, theo Reuters.
Theo truyền thông Mỹ, phái đoàn nước này do cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim dẫn đầu, còn đại diện chủ nhà là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui.
Những nội dung khó nuốt
Về nội dung của cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm, các quan chức song phương được cho là tập trung vào vấn đề chuyển giao đầu đạn hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng ra nước ngoài, theo hãng tin Kyodo News Plus dẫn lời một số quan chức Mỹ.
Tuy nhiên, chưa rõ họ có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này hay không. Các quan chức Mỹ nói Triều Tiên khá chần chừ trước yêu cầu của Mỹ là chuyến hàng phải bao gồm tối đa 20 đầu đạn hạt nhân và phải được chuyển giao sớm.
Đây được phía Mỹ xem là một trong các biện pháp nhằm đạt được quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh được và không thể đảo ngược trong trường hợp của Bình Nhưỡng.
Theo giới chức Mỹ (không nêu tên), Triều Tiên tỏ ra không sẵn lòng với đề nghị phải giao tất cả vũ khí hạt nhân và tên lửa cho phương Tây.
Nhiều khả năng Bình Nhưỡng đề nghị gửi trước một số dạng tên lửa, như tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn đến Mỹ.
Một nội dung khác được dự kiến sẽ thảo luận tại Bàn Môn Điếm là cách thức Bình Nhưỡng loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí, uranium làm giàu cao và các dạng vật liệu hạt nhân khác.
Các cuộc thảo luận được dự kiến tiếp tục trong hai ngày 28 và 29.5, theo tờ The Washington Post.
Theo Thụy Miên (Thanh Niên Online)