Theo Tân Hoa xã, ông Zhuang Guotai không còn là người đứng đầu Cơ quan Khí tượng Trung Quốc từ ngày 4/2.
CNN trích dẫn lời một số nhà phân tích nhận định, động thái có thể là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố rằng, khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời bang Montana hôm 1/2 và bị phát hiện trôi nổi qua nhiều khu vực khác thuộc lãnh thổ Mỹ, thực tế chỉ là phương tiện dân sự, phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và khí tượng học.
Tuy nhiên, các nhà quan sát khác lưu ý, việc ông Zhuang rời khỏi vị trí lãnh đạo cơ quan khí tượng có thể không phải là điều bất ngờ. Hồi cuối tháng 1, ông đã được bầu làm lãnh đạo Ủy ban Chính hiệp tỉnh Cam Túc.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Chính phủ Trung Quốc ngày 5/2 cảnh báo, nước này “bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với các tình huống tương tự”, sau khi Washington quyết định điều tiêm kích bắn hạ khinh khí cầu gây tranh cãi nói trên ở vùng biển Đại Tây Dương, ngoài khơi bang Nam Carolina hôm 4/2.
“Mỹ đã dùng vũ lực để tấn công khinh khí cầu dân sự, không người lái của chúng tôi. Đây là một phản ứng thái quá rõ ràng. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với động thái này của phía Mỹ”, phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei cho biết trong một tuyên bố vào chiều 5/2 theo giờ địa phương.
Bất chấp lời giải thích của Bắc Kinh, các quan chức Mỹ vẫn quả quyết, khinh khí cầu nói trên là phương tiện do thám lãnh thổ nước này.
Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đang điều động các tàu tìm kiếm những mảnh vỡ của khinh khí cầu bị bắn hạ ở Đại Tây Dương. Theo lời các quan chức, chúng sẽ được chuyển tới một phòng thí nghiệm của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ở Quantico, bang Virginia để các chuyên gia thuộc FBI và những cơ quan tình báo khác phân tích, đánh giá.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)