Liên quan đến vụ khinh khí cầu này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến công du đến Trung Quốc. Phía Bắc Kinh phủ nhận khinh khí cầu của họ được sử dụng để do thám mà khẳng định nó chỉ dùng cho mục đích nghiên cứu khoa học và vô tình bị gió thổi bay lạc đến Mỹ.
Khinh khí cầu của Trung Quốc tiến vào không phận Mỹ từ ngày 1-2, bị các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ bắn hạ trên Đại Tây Dương, gần các bang Carolina vào ngày 4-2 (giờ địa phương).
Vấn đề là tại sao đã có những công nghệ giám sát tiên tiến, bao gồm máy bay không người lái (UAV) và vệ tinh, nhưng vẫn có quốc gia sử dụng khinh khí cầu để do thám?
Có một số lý do được tờ Washington Post liệt kê dưới đây:
Rẻ hơn và hình ảnh rõ nét hơn
Theo tính toán, suốt vòng đời của một vệ tinh có thể "ngốn" tới 300 triệu USD trong khi khinh khí cầu với công nghệ cao nhất vẫn rẻ hơn nhiều.
"Khinh khí cầu còn mang lại một số lợi thế khác so với việc sử dụng vệ tinh hoặc UAV" - ông James Rogers, học giả tại ĐH Cornell (Mỹ) và ĐH Nam Đan Mạch, nhận xét. "Do nó hoạt động bên trong bầu khí quyển, gần mặt đất hơn nên có thể thu được hình ảnh chất lượng tốt hơn".
"Qua mặt" được radar và UAV
Theo ông Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Trường ĐH King's College London (Anh): "Khinh khí cầu có thể bay cao hơn tầm hoạt động của hầu hết UAV. Tốc độ di chuyển của khinh khí cầu chậm nhưng không phải lúc nào nó cũng bị radar phát hiện. Khinh khí cầu trang bị công nghệ hiện đại hoặc được sơn ngụy trang có thể "ẩn mình" tốt hơn".
Còn theo ông Malcolm Macdonald, giáo sư ngành công nghệ vũ trụ tại ĐH Strathclyde (Scotland): "Khinh khí cầu cơ động hơn vệ tinh. Chuyển động của vệ tinh có thể dự đoán được song khinh khí cầu có thể bay qua một cách bất ngờ".
Ngoài ra, nếu điều kiện thời tiết cho phép, khinh khí cầu có thể ở trên một khu vực trong thời gian dài hơn vệ tinh.
Lý do Mỹ đắn đo khi bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc?
Giới chức Mỹ cho biết họ đã phát hiện và theo dõi khinh khí cầu của Trung Quốc "trong vài ngày" nhưng đợi đến ngày 4-2 mới bắt hạ. Giải thích điều này, giới chức Washington nói "do lo ngại về khả năng các mảnh vỡ có thể rơi trúng người và hạ tầng dưới mặt đất".
Tuy nhiên, theo giáo Malcolm Macdonald, lý do thực sự không phải vậy: "Nếu quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, họ có thể để lộ khả năng tấn công của mình".
Bắn hạ khinh khí cầu cũng không phải chuyện dễ. Ví dụ, vào năm 1998, các máy bay chiến đấu của Canada, Anh và Mỹ đã cố gắng bắn hạ một khinh khí cầu thời tiết khiến các chuyến bay chở khách phải chuyển hướng nhưng cuối cùng không thành công.
Thêm hai nước phát hiện khinh khí cầu lạ
Colombia và Costa Rica cùng lên tiếng về sự xuất hiện của khinh khí cầu lạ. Theo kênh CNN, giới chức Costa Rica tối 4-2 cho biết đã có người nhìn thấy một khinh khí cầu lớn màu trắng bay qua thủ đô San Jose trong tuần này. Khinh khí cầu này có bề ngoài tương tự khinh khí cầu mới bị Mỹ bắn hạ.
"Khinh khí cầu được phát hiện ở San Jose không phải của Costa Rica" - Tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Costa Rica Fernando Naranjo Elizondo cho biết. "Khinh khí cầu này đã biến mất" nên Costa Rica không có kế hoạch điều tra thêm.
Lực lượng Không quân Colombia cũng xác nhận một vật thể có "đặc điểm tương tự một khinh khí cầu" được phát hiện trong không phận nước này hôm 3-2, ở khu vực phía Bắc Colombia.
Khinh khí cầu đã rời khỏi không phận Colombia sau khi bị Hệ thống Phòng thủ quốc gia theo dõi. Giới chức Colombia cho biết họ đang phối hợp với "các quốc gia và tổ chức" khác để xác định nguồn gốc của khinh khí cầu.
Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)