Các văn bản hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc sẽ được áp dụng với tất cả các nền tảng online game đang hoạt động ở nước này, đáng chú ý nhất trong số đó là Tencent - công ty game lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo các quy định mới, các game thủ có độ tuổi dưới 18 không được phép chơi game trong khoảng thời gian từ 22h00 đêm cho đến 8h00 sáng. Vào các ngày trong tuần, trẻ em chỉ có thể chơi game 90 phút mỗi ngày, và có thể chơi 3 giờ đồng hồ trong các ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ.
Các quy định cũng đặt ra giới hạn về lượng tiền mà trẻ em có thể chuyển vào các tài khoản trong game trực tuyến. Các game thủ ở độ tuổi từ 8 - 16 chỉ có thể chi cho game trực tuyến 200 NDT (29 USD) mỗi tháng, trong khi lượng tiền tối đa mà game thủ ở độ tuổi 16 - 18 được chi là 400 NDT (57 USD) mỗi tháng.
Trung Quốc hiện là thị trường game lớn nhất thế giới khi chiếm tới 1/4 tổng doanh thu toàn cầu từ game - theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Newzoo. Công ty này còn dự báo rằng, tổng doanh thu từ game của Trung Quốc đạt 38 tỷ USD trong năm 2018.
Văn bản hướng dẫn mới được Cục Quản lý Nhà nước về Báo chí, Xuất bản của Trung Quốc ban hành trong tuần trước. Trả lời phỏng vấn Tân hoa xã, một người phát ngôn của cơ quan này cho hay các quy định mới được áp dụng là nhằm tạo nên một “không gian Internet trong sạch” và “bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ”.
“Văn bản này nhấn mạnh vào trách nhiệm của các tập đoàn, và trách nhiệm quản lý của chính phủ” - phát ngôn viên cho hay, thêm rằng các cơ quan chính phủ sẽ nghiên cứu các văn bản hướng dẫn và đảm bảo rằng các tập đoàn sẽ tuân thủ quy định mới.
Chính quyền các cấp cũng hợp tác với cảnh sát để thiết lập một hệ thống đăng ký chơi game bằng tên thật, và cho phép các công ty phát hành game kiểm tra danh tính của người chơi dựa trên dữ liệu quốc gia.
Các văn bản hướng dẫn mới là động thái mới nhất mà Trung Quốc đưa ra nhằm phục vụ cho chiến dịch tăng cường quản lý ngành công nghiệp game trong nước.
Tháng 8/2018, Bắc Kinh công bố các kế hoạch hạn chế người chơi game trực tuyến nhằm “giảm chứng cận thị ở trẻ em và thanh, thiếu niên”. Họ cũng lên tiếng chỉ trích một game di động nổi tiếng có tên “Honor of Kings” vì khiến nhiều người trẻ tuổi bị nghiện game trong năm 2017.
Chứng nghiện chơi game - còn có tên gọi chính thức là Rối loạn Chơi game Trực tuyến (IGD) - đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách các loại bệnh vào tháng 6/2018. Người bị coi là mắc IGD khi có xu hướng chơi game miễn cưỡng và bất chấp các lợi ích khác, như đi học hay chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại ĐH Dược Jiao Tong, thành phố Thượng Hải, công bố năm 2018, cho thấy đàn ông thường dễ bị nghiện game hơn phụ nữ.
Ngoài hạn chế về thời gian chơi game, chính quyền Trung Quốc cũng nỗ lực hạn chế các nội dung game không phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Tờ Nhân dân Nhật báo hồi tháng 7 năm nay cho biết, nước này đã xuất bản một bộ dự thảo quy tắc đóng vai trò quy định nội dung trò chơi đối với các nhóm tuổi khác nhau. Các quy tắc được đề xuất áp dụng cho các tựa game của 10 hãng phát hành game lớn tại nước này như Tencent, Perfect World và NetEase. Bộ quy tắc này chia người chơi thành 4 nhóm tuổi gồm dưới 6 tuổi, 12 tuổi, 16 tuổi và 18 tuổi.
Trong đó mỗi nhóm tuổi lại có những quy định riêng. Ví dụ như nhóm game thủ dưới 6 tuổi được khuyến nghị không được phép chơi game một mình.
Mặc dù vậy có những quy định chung cho tất cả các nhóm tuổi, bao gồm các hình ảnh, nội dung đôi lứa yêu nhau sẽ bị cấm trong cốt tryện game. Ngoài ra trong bất cứ cốt truyện game nào cũng không được phép kích thích người chơi bằng nội dung, hành vi của nhân vật mang tính kích dục. Đối với trẻ vị thành niên từ 16 tuổi trở xuống, game không được phép có cảnh nhân vật hôn nhau.
Theo Linh Chi (Ngaynay.vn)