Theo bài viết được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature, vào tuần trước, nhà sinh vật học người Nga, Denis Rebrikov đã gửi tới báo cáo về nghiên cứu tạo ra những đứa trẻ bằng công nghệ chỉnh sửa gene từ trứng được hiến tặng.
Denis Rebrikov là một người có chuyên môn trong lĩnh vực nướu răng, nhưng từ tháng 10/2018, Rebrikov đã viết một báo cáo trong đó áp dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR cho phôi IVF của con người.
Đến tháng 6/2019, Rebrikov đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận mới trong giới khoa học và y học khi đưa ra tuyên bố muốn lặp lại thí nghiệm dùng CRISPR để chỉnh sửa gene CCR5 và tạo ra hai bé gái sinh đôi có thể kháng lại virus HIV của nhà khoa học Trung Quốc, Hạ Kiến Khôi, vào năm 2018.
Song song với ước vọng tạo ra những đứa trẻ miễn nhiễm với HIV, nhà khoa học người Nga còn có một dự án khác liên quan đến gene GJB2.
Theo Denis Rebrikov, mục đích của nghiên cứu này là để tìm cách sửa chữa những đột biến có trong gene của những cặp vợ chồng khiếm thính, để ngăn chặn hiện tượng con của những cặp bố mẹ này sẽ được sinh ra là những đứa trẻ bị khiếm thính bẩm sinh.
Trong tuyên bố của mình, Rebrikov cho biết, hiện nay, đã có một cặp vợ chồng khiếm thính bắt đầu làm thủ tục tham gia thí nghiệm này.
Tuy nhiên, vì người mẹ vẫn đang khá lo sợ về việc mang thai một đứa trẻ mang gene chỉnh sửa, do đó, khả năng một đứa bé ra đời trong nghiên cứu này vẫn đang được bỏ ngỏ.
Đồng thời, tương tự như trường hợp của Hạ Kiến Khôi người Trung Quốc, nghiên cứu của nhà khoa học Denis Rebrikov cũng nhận được không ít 'búa rìu' từ dư luận.
Kế hoạch của Rebrikov bao gồm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên liên quan đến việc sắp xếp lại toàn bộ bộ gen của cặp vợ chồng, để dự trù các đột biến ngoài mục tiêu mà ông ấy có thể gây ra trong khi chỉnh sửa gene phôi cho họ.
Tiếp đó, Rebrikov sẽ kích thích buồng trứng của người vợ, lấy khoảng 20 quả trứng, thụ tinh chúng với tinh trùng của người chồng và cuối cùng sử dụng CRISPR để chỉnh sửa nhắm đến đột biến trong GJB2.
Các phôi này sẽ được nuôi trong 5 ngày, đến thời điểm chúng phát triển được khoảng 250 tế bào, Rebrikov sẽ sắp xếp gene của 10 trong số các phôi nang đó để tiếp tục sàng lọc xem chúng có còn đột biến gây hại hay không.
Thực ra là các phôi đều sẽ có đột biến, nhưng nếu ở trong khoảng an toàn cho phép (dưới 100 đột biến mỗi phôi), chúng sẽ được thông qua đến thử nghiệm tiền cấy phôi. Trong đó, sẽ có từ 5-7 tế bào phôi được trích ra để phân tích lại bộ gen một lần nữa, thực hiện đánh giá và tinh chỉnh kỹ thuật CRISPR.
Quy trình này được quay vòng nhiều lần cho tới khi cho ra những phôi chỉnh sửa đúng theo ý muốn của Rebrikov, chúng sẽ được cấy vào bụng người mẹ để sinh ra những đứa trẻ có thính giác khỏe mạnh.
Theo Bảo An (Sohuutritue.net.vn)