Khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017, các quan chức Bắc Kinh coi ông là một doanh nhân thực dụng. Họ nghĩ những lời lẽ cứng rắn Trump nhằm vào Trung Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử chỉ là mánh khóe lôi kéo cử tri Mỹ, không thể hiện quan điểm cốt lõi của ông.
Tuy nhiên, hơn hai năm sau, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận thấy Mỹ dường như đang đẩy Trung Quốc đến bên bờ vực một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Điều tệ hại hơn, quan điểm xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược cần phải ngăn chặn bằng mọi giá ngày càng được lan tỏa rộng rãi ở Mỹ.
Trump tiếp tục gia tăng sức ép bằng lời đe dọa triệt hạ tập đoàn công nghệ hàng đầu Huawei cùng các công ty khác ở Trung Quốc với lý do họ có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Những ngón đòn chính quyền Trump liên tiếp tung ra đẩy Huawei vào tình thế lao đao và gần như bị cô lập trong thế giới công nghệ.
Để đáp trả, các quan chức Bắc Kinh tìm cách khơi dậy tâm lý chống Mỹ, lòng tự hào dân tộc và vạch ra những kế hoạch ứng phó khẩn cấp để giải cứu Huawei, nhưng cũng đồng thời kêu gọi Mỹ đối thoại để giải quyết tranh chấp thương mại.
"Tôi không nghĩ Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng, xuyên suốt. Một mặt, truyền thông nhà nước Trung Quốc khơi dậy chủ nghĩa dân tộc nhưng mặt khác, khi trao đổi với các quan chức Trung Quốc, bạn sẽ thấy họ vẫn khá kiềm chế trong những lời chỉ trích Mỹ", Ether Yin, đối tác của công ty tư vấn Trivium China ở Bắc Kinh, nhận xét.
Sự lưỡng lự đó xuất phát từ việc các quan chức Trung Quốc vẫn chưa rõ các đòn đánh của Trump hiện nay chỉ đơn thuần nhằm mục đích đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, hay Mỹ đang thực sự hướng đến mục tiêu xa hơn là ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy và trở thành một siêu cường toàn cầu.
"Rất khó để kết luận liệu nỗ lực đối phó với Huawei chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia hay đây là một chiến thuật đàm phán để thúc đẩy những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại", Scott Kennedy, giám đốc dự án nghiên cứu kinh tế chính trị và kinh doanh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa Huawei vào danh sách đen và cấm các công ty Mỹ bán linh kiện, công nghệ cho tập đoàn này khi chưa có giấy phép xuất khẩu.
"Có thể các quan chức ở Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) nhất trí với kết luận rằng Huawei chỉ an toàn cho nước Mỹ khi không còn sức sống, nhưng họ cũng muốn giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc", Kennedy nhận xét.
Kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ hồi đầu tháng, chính quyền Tổng thống Trump đã tung ra một loạt đòn nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc với những tác động ngày càng lớn, có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Ngoài các động thái chống lại Huawei có thể làm phá vỡ kế hoạch của hãng này về việc triển khai mạng 5G toàn cầu, Mỹ còn cân nhắc cấm 5 công ty Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ camera giám sát tiếp cận công nghệ Mỹ.
Đến nay, phản ứng của Trung Quốc chủ yếu dừng lại ở những lời hô hào chống Mỹ. Các nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington "ức hiếp" Bắc Kinh, trong khi truyền thông nhà nước gọi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ là "chiến tranh nhân dân".
Tâm lý bài Mỹ đang dâng cao trên các mạng xã hội Trung Quốc với một bài hát gây sốt cùng lời lẽ "nếu bên sai phạm muốn gây chiến, chúng ta sẽ đánh họ đến mức kinh hồn bạt vía".
Phát biểu đầu tuần trước trong chuyến thăm khu tưởng niệm ở tỉnh Giang Tây, nơi khởi đầu cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân Trung Quốc cách đây 85 năm nhằm tránh sự truy kích của quân Quốc Dân đảng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo các quan chức Trung Quốc về những hậu quả lâu dài và phức tạp do ảnh hưởng bên ngoài, đồng thời kêu gọi họ sẵn sàng cho "một cuộc Vạn lý Trường chinh mới".
Khi đến thăm một nhà máy đất hiếm ở tỉnh Giang Tây, ông Tập dường như phát đi thông điệp đe dọa rằng Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Đất hiếm là thành phần quan trọng để sản xuất các thiết bị điện tử, từ smartphone đến xe điện, và chỉ phân bố ở một số ít khu vực trên thế giới, trong đó Trung Quốc là nơi khai thác nhiều nhất.
Chính phủ Trung Quốc đang vạch ra các phương án giải cứu Huawei trong trường hợp cần thiết, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề. Dù Bắc Kinh chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nguồn tin cho biết hỗ trợ tài chính cho Huawei là một trong các phương án được cân nhắc.
"Chính phủ Trung Quốc có lẽ muốn chờ xem liệu chính quyền Trump có tiến hành thêm các động thái khiêu khích khác không, nhưng chắc chắn Mỹ đang phát đi một số tín hiệu", Wang Dong, tổng thư ký Viện Pangoal ở Bắc Kinh, người từng đại diện cho Trung Quốc dự các hội nghị an ninh quốc tế, nói.
"Quan điểm cho rằng chính quyền Trump có thể tung ra những động thái gây thiệt hại đối với Huawei nhưng không làm tổn thương nặng nề công ty này là hoàn toàn không chính xác", ông bình luận.
Các động thái chống Huawei của Trump dường như là một phần trong cuộc cạnh tranh giành vai trò siêu cường toàn cầu với Trung Quốc được chính phủ Mỹ nêu ra trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2017.
Một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên cho hay dù ban đầu lưỡng lự, ngày càng nhiều nước châu Âu đồng tình với quan điểm của Mỹ rằng họ nên tránh tích hợp thiết bị Huawei vào mạng 5G để ngăn chặn rủi ro an ninh đến từ công nghệ Trung Quốc.
Các mối lo ngại an ninh của Mỹ về Huawei cũng như hoạt động thương mại của Trung Quốc không phải mới xuất hiện dưới thời Trump. Ngay từ năm 2010, chính quyền tổng thống Barack Obama đã cảnh báo về các mối đe dọa tiềm tàng đến từ "một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến", ám chỉ Huawei.
Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố năm 2012 đã coi Huawei cùng ZTE, hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, là các "mối đe dọa an ninh tiềm tàng" và cho rằng những thiết bị phần cứng của họ có thể bị can thiệp để phục vụ mục đích do thám.
Huawei luôn phủ nhận hỗ trợ chính phủ Trung Quốc thực hiện các hoạt động do thám ở nước ngoài. Hôm 23/5, tờ China Daily cáo buộc các quan chức chính trị Mỹ đang phát động một cuộc "chiến tranh lạnh công nghệ" và cảnh báo những mục tiêu ở các quốc gia khác cũng có thể bị tổn thương bởi tâm lý cạnh tranh "một mất, một còn" từ Mỹ.
Ban đầu, các đồng minh phản đối Trump trong cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc chủ yếu do phong cách mạnh bạo, thẳng thừng của ông, chứ không phải vì bất đồng lập trường với ông chủ Nhà Trắng về cách thực hành thương mại của Trung Quốc, Chris Patten, cựu thống đốc Hong Kong, nhận định. "Những gì ông ấy lẽ ra nên làm là thảo luận với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và châu Âu... bởi chúng ta có các mối lo ngại chung", Patten nói.
Một kênh khả thi để nối lại các cuộc đàm phán Mỹ - Trung là hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 tại Nhật Bản. Ông Trump và ông Tập đã dàn xếp được một "lệnh ngừng bắn" nhằm đình chỉ cuộc chiến thuế tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Argentina hồi cuối năm ngoái.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ xem hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới là một trong những cơ hội cuối cùng để Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại trước khi chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2020 bắt đầu, khiến cơ hội ngồi lại nói chuyện trở nên khó khả thi hơn. Tại cuộc gặp cử tri hôm 20/5, Trump công kích cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng, khi nói rằng Bắc Kinh muốn Biden thay thế Trump làm tổng thống để "có thể tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ 500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm và tiếp tục cưỡng đoạt nhiều hơn từ Mỹ".
Khoảng 20% công ty Mỹ ở Trung Quốc đang chuyển một số hoặc tất cả dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để đối phó căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và 1/3 công ty Mỹ đang trì hoãn hoặc hủy bỏ quyết định đầu tư vào Trung Quốc, theo cuộc khảo sát 239 công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải thực hiện mới đây.
"Cả hai phía rồi sẽ phải có những nhượng bộ nhất định", Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, nói. "Họ đã tự đẩy mình vào tình thế leo thang căng thẳng, nhưng cuối cùng, mối quan hệ này quá lớn nên không thể sụp đổ", ông kết luận.
Theo Hồng Vân (VnExpress.net)