Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/5 lên tiếng chỉ trích dự thảo "Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông" vừa được đệ trình tại Thượng viện Mỹ. Đạo luật này nhận được sự ủng hộ của 17 thượng nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhắm đến trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan những hoạt động "phi pháp và nguy hiểm" của Trung Quốc trên Biển Đông, theo South China Morning Post.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, cho rằng "dự luật vi phạm những quy chuẩn căn bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, nên đương nhiên phía Trung Quốc phản đối kịch liệt".
Không dừng ở đó, ông Lục còn ngang nhiên khẳng định việc xây dựng trên các thực thể ở Biển Đông, vốn nằm trong danh sách các hoạt động phi pháp mà dự luật đề cập, "hoàn toàn nằm trong khuôn khổ" quyền chủ quyền của Trung Quốc.
"Chúng tôi đề nghị Mỹ không thúc đẩy việc xem xét đạo luật này, tránh tạo biến động mới trong quan hệ Mỹ - Trung", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong buổi họp báo định kỳ ở Bắc Kinh.
Người dẫn đầu thúc đẩy đạo luật trừng phạt Trung Quốc trên Biển Đông là Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa. Ông từng đề xuất dự thảo vào năm 2017 nhưng không qua được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Một đạo luật muốn được thông qua cần Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu tán thành, sau đó trình tổng thống Mỹ phê duyệt.
Dự luật được đệ trình lại trên nghị trường Mỹ vào ngày 23/5. Nếu được thông qua, đạo luật yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu tài sản tài chính đặt tại nước này, thuộc những cá nhân hoặc tổ chức ở Trung Quốc tham gia "hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định" tại các khu vực trên Biển Đông có tranh chấp với một hoặc nhiều nước ASEAN. Một biện pháp trừng phạt khác là hủy thị thực hoặc cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Đạo luật cũng yêu cầu ngoại trưởng Mỹ định kỳ sáu tháng phải trình cho quốc hội báo cáo chỉ ra những cá nhân hoặc công ty có tham gia các dự án xây dựng hoặc phát triển trên vùng biển tranh chấp. Các hoạt động "đe dọa an ninh và ổn định" tại vùng biển do Nhật Bản hay Hàn Quốc quản lý ở biển Hoa Đông cũng nằm trong diện chịu xử phạt.
Các hoạt động "phi pháp" mà đạo luật nhắm đến bao gồm: bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo, xây hải đăng và các cơ sở hạ tầng liên lạc viễn thông.
Andrew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá diễn biến lần này tại Thượng viện cho thấy sự phẫn nộ từ cả hai đảng đối với những hành động của Trung Quốc trên các vùng biển, cũng như sự không hài lòng với chính phủ đương nhiệm khi giới hạn phản ứng ở chỉ trích và tuần tra tự do hàng hải.
"Sự dửng dưng của Mỹ, một số quốc gia biển và bên tranh chấp không giúp cải thiện tình hình. Mặt khác, Mỹ không phải đối diện thêm rủi ro nếu gia tăng sự phản đối với cách hành xử của Trung Quốc, đặt ra cái giá phải trả đối với những công ty và cá nhân chịu trách nhiệm cho các hành động của nước này tại Biển Đông và biển Hoa Đông", Thompson nhận định.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)