Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3 bổ sung điều khoản về Ủy ban Giám sát Quốc gia vào hiến pháp. Ủy ban có vị thế gần bằng nội các, cao hơn tòa án tối cao và văn phòng công tố tối cao, SCMP đưa tin hôm nay.
Quốc hội Trung Quốc dự kiến bỏ phiếu thông qua cách thức ủy ban hoạt động vào ngày 20/3, bổ nhiệm người đứng đầu ủy ban ngày 25/3. Ủy ban chính thức làm việc sau khi toàn bộ thành viên được phê duyệt.
Lập ủy ban giám sát là cách Bắc Kinh cải tổ hệ thống "shuanggui" gây tranh cãi hiện nay. Theo "shuanggui", Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc, có quyền triệu tập, tạm giữ mà không cần có cáo buộc đối với đảng viên bị nghi vi phạm điều lệ.
Ủy ban ra đời dựa trên sự hợp nhất các cơ quan chống tham nhũng chính phủ, công tố, với CCDI và cơ quan giám sát thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Ông Triệu Lạc Tế, chủ nhiệm CCDI, dự kiến là lãnh đạo ủy ban với giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm, tương đương với nhiều vị trí cấp cao như thủ tướng, phó thủ tướng.
Trong khi CCDI chỉ có thẩm quyền với đảng viên, Ủy ban Giám sát Quốc gia sẽ có thẩm quyền với mọi cơ quan nhà nước, theo truyền thông quốc gia Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tăng cường tính hợp pháp cho chiến dịch chống tham nhũng bằng cách lập ủy ban giám sát, Xiao Pei, phó thư ký CCDI, nói. "Nó sẽ tạo ra cơ sở pháp lý và tiêu chuẩn hóa việc chống tham nhũng, giúp người dân thêm tin vào đảng, củng cố nền tảng của đảng".
Theo Như Tâm (VnExpress.net)