Truyền thông phương Tây và cả ông Trump trước đây khi nhắc đến tên Chủ tịch Trung Quốc đều viết "Xi Jinping" - phiên âm từ chữ Tập Cận Bình trong tiếng Hoa. Tuy nhiên, trong dòng trạng thái mô tả về cuộc điện đàm mới đây với ông Tập, ông Trump đã viết thành Xi Xinping.
Có vẻ như nhà lãnh đạo Mỹ không nhận ra chuyện này và bị một vài người chỉ ra bên dưới.
"Chủ tịch Trung Quốc XI XINPING và tôi đã thảo luận sâu về cuộc gặp với KIM JONG UN của Triều Tiên. Chủ tịch Xi nói cảm kích tôi vì đã góp phần giải quyết vấn đề theo cách ngoại giao chứ không phải kiểu gì tồi tệ khác. Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp ích", ông Trump viết.
Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm trong ngày 9-3, theo hãng tin Reuters. Nội dung chủ yếu xoay quanh đề nghị đàm phán với Mỹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể diễn ra sắp tới.
Sau chuyến thăm Mỹ của đặc phái viên Hàn Quốc, ông Trump đã đồng ý gặp lãnh đạo Bình Nhưỡng với thời gian dự kiến vào tháng 5 tới, sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
"Tôi hi vọng Triều Tiên và Mỹ có thể bắt đầu việc liên lạc và các cuộc đối thoại càng sớm càng tốt, cố gắng đạt được các kết quả tích cực", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Donald Trump ngày 9-3.
Theo Tân Hoa xã, ông Tập khẳng định việc Mỹ theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán là một tín hiệu tích cực.
Còn tại Mỹ, cuộc điện đàm được tường thuật ngắn gọn: Chủ tịch Trung Quốc nhất trí "duy trì sức ép và các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có những bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa (trên bán đảo Triều Tiên) một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 9-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh tổng thống Trump sẽ không có bất kỳ cuộc gặp nào với Triều Tiên trừ khi Bình Nhưỡng cho thấy các bước đi cụ thể và chắc chắn.
Bà Sanders không nói rõ các "hành động chắc chắn" mà Bình Nhưỡng cần làm. Một quan chức Nhà Trắng sau đó cho hay Mỹ chưa có ý định đặt các điều kiện mới cho cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Kim Jong Un.
Điều này khiến một số người bối rối, nhưng theo một số chuyên gia, tuyên bố của Nhà Trắng chỉ là cách trấn an và xoa dịu những chỉ trích trước quyết định gặp ông Kim Jong Un của ông Trump.
Trong khi đó, ngày 10-3, truyền thông Triều Tiên tiếp tục khẳng định sức ép quân sự và các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ không phát huy tác dụng.
Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nhắc lại việc Mỹ mới tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào 56 tàu, công ty vận tải và các doanh nghiệp thương mại với lý do ngăn chặn Bình Nhưỡng né tránh các chế tài.
Tờ này cáo buộc đây là hành động "vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Triều Tiên", cho rằng Mỹ đang tìm cách "cô lập và kiềm chế Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt và phong tỏa". Tờ báo trên tuyên bố quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không bị khuất phục.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 10-3 cảnh báo ông Trump không nhận thức được sự nguy hiểm khi đồng ý đàm phán giải trừ hạt nhân với Triều Tiên.
"Nếu ông muốn nói chuyện với Kim Jong Un về vũ khí hạt nhân của ông ta, ông cần phải có những nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm. Họ nắm hết hồ sơ trong tay, biết rõ người Triều Tiên và nói được tiếng của họ", hãng thông tấn AFP dẫn lời bà Hillary.
Việc ông Joe Yun, đặc phái viên về Triều Tiên của Mỹ, nghỉ hưu từ đầu tháng 3-2018, được xem là sự mất mát khá lớn của ngành ngoại giao Mỹ. Lợi thế của nhà ngoại giao gốc Hàn này không chỉ là ngôn ngữ, mà còn là những kiến thức sâu sắc về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Bảo Duy (Tuổi Trẻ)