TIME dẫn lời Lu Lizhi cho rằng vịt là "vũ khí sinh học" và có thể cho hiệu quả tốt hơn thuốc hóa học diệt châu chấu. Lu hiện là trưởng nhóm nghiên cứu chống dịch, hiện đang làm việc cùng các nhà khoa học thuộc một trường đại học Pakistan.
"Một con vịt có thể ăn hơn 200 con châu chấu mỗi ngày," Lu cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 27/02, dẫn nguồn một nghiên cứu về khả năng tìm kiếm và săn mồi của vịt.
"Vịt thường đi thành đàn, do đó quản lý chúng dễ hơn là gà," Lu nói với truyền thông Trung Quốc.
Theo Lu, việc cho vịt diệt châu chấu sẽ được thử nghiệm tại Tân Cương, trước khi số vịt kể trên được gửi sang Pakistan. Tại đây, số vịt này sẽ tham gia chống châu chấu ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc các tỉnh Sindh, Balochistan và Punjab.
Tuy vậy, một giáo sư của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng việc đưa vịt sang Pakistan chống châu chấu là không khả thi, bởi điều kiện hí hậu ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất không thích hợp cho loài động vật này.
"Vịt cần rất nhiều nước, nhưng ở các vùng sa mạc tại Pakistan, nhiệt độ có thể lên rất cao," giáo sư Zhang Long nói với phóng viên ở Pakistan.
Năm 2000, Trung Quốc đã gửi 30.000 con vị từ Triết Giang tới Tân Cương để chống dịch châu chấu.
Theo Liên Hợp Quốc, dịch châu chấu hoành hành tại nhiều nơi ở châu Á và châu Phi hiện nay bắt nguồn từ mùa bão 2018/19, khi lượng mưa lớn được ghi nhận ở bán đảo Arab đã tạo điều kiện cho ba thế hệ châu chấu sinh sôi nảy nở "chưa từng thấy".
Những đàn châu chấu khổng lồ sau đó đã di chuyển tới Đông Phi và Nam Á.
Tháng 01/2020, Liên Hợp Quốc đã phát lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia chống dịch châu chấu hoành hành ở Đông Phi. Ba nước Ethiopia, Kenya và Somalia đang vất vả chống chọi với những đàn châu chấu "lớn chưa từng thấy" gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)