Ngày 5/6, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu-14, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung để thực hiện sứ mệnh kéo dài 6 tháng trên trạm vũ trụ này.
Theo kế hoạch, 3 nhà du hành này sẽ phối hợp với trung tâm kiểm soát trên mặt đất để hoàn thành việc lắp ráp và xây dựng Thiên Cung từ trạm vũ trụ chỉ có một module thành một phòng thí nghiệm vũ trụ quốc gia gồm 3 module: module lõi Thiên Hòa và 2 module thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên.
Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết tên lửa Trường Chinh-2F mang theo tàu Thần Châu-14 được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, phía Tây Bắc Trung Quốc vào lúc 10h44 ngày 5/6 theo giờ địa hương. Khoảng 577 giây sau khi phóng, tàu Thần Châu-14 đã tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo đã định.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ngày 4/6, Phó giám đốc CMSA Lin Xiqiang cho biết các nhà du hành vũ trụ trên tàu Thần Châu-14 sẽ phối hợp với trung tâm kiểm soát trên mặt đất để hoàn thành việc lắp ghép 2 module phòng thí nghiệm với module lõi.
Module Thiên Hòa đã được khởi động hồi tháng 4/2021, trong khi module Vấn Thiên dự kiến sẽ được phóng lên trạm Thiên Cung vào tháng 7 tới và module Mộng Thiên được phóng lên trạm vũ trụ này vào tháng 10 năm nay.
Trong thời gian ở trên trạm Thiên Cung, nhóm nhà du hành vũ trụ trên tàu Shenzhou-14 sẽ được chứng kiến tàu vũ trụ Thiên Châu-5 chở hàng hóa và tàu Thần Châu-15 lắp ghép với module Thiên Hòa. Sau đó, họ sẽ sống và làm việc cùng với phi hành đoàn của tàu Thần Châu-15 trong nhiều ngày trước khi quay trở lại Trái Đất vào tháng 12 năm nay.
Theo Văn Khoa (TTXVN/Vietnam+)